Ngân hàng học cách thích nghi

Theo Khuê Nguyễn/thoibaonganhang.vn

Covid-19 là thách thức và cơ hội để ngân hàng cơ cấu lại hoạt động theo hướng hiệu quả, bền vững hơn.

Covid-19 là thách thức và cơ hội để ngân hàng cơ cấu lại hoạt động theo hướng hiệu quả, bền vững hơn. Nguồn: internet
Covid-19 là thách thức và cơ hội để ngân hàng cơ cấu lại hoạt động theo hướng hiệu quả, bền vững hơn. Nguồn: internet

Thay đổi để ổn định và phát triển bền vững

Tại “Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020” vừa được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 được dự đoán ở mức 3% - thấp hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cũng giảm hơn 6 điểm phần trăm so với dự báo IMF đưa ra vào tháng 10/2019 và tháng 1/2020.

Covid-19 đã len vào mọi ngõ ngách của nền kinh tế toàn cầu, kéo giảm doanh thu, gián đoạn chuỗi cung ứng, có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Nhưng nhìn ở góc độ khác, khó khăn cũng là thời điểm các tổ chức nhìn lại mình để có thể tái cấu trúc mạnh mẽ. Các quan chức của IMF nhận định, hệ thống ngân hàng của một số quốc gia có thể phải được tái cơ cấu vốn hoặc thậm chí tái cấu trúc, nếu nền kinh tế của những quốc gia này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự gián đoạn kéo dài vì dịch Covid-19.

Với hệ thống ngân hàng Việt Nam, chuyên gia cho rằng Covid-19 giúp ngân hàng học cách thích nghi, tái cấu trúc, không phải để đối phó với tình thế tạm thời mà sẽ định hình cách làm việc hiệu quả hơn trong tương lai. Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính cho rằng, từ khó khăn của nền kinh tế sẽ bộc lộ ra khó khăn của từng ngành nghề cụ thể, trong đó có ngân hàng. Sự sàng lọc theo đó cũng nâng cao hơn, những nhà băng có sức khoẻ sẽ trải qua được khủng hoảng, đứng vững, và ngược lại.

Càng trong những hoàn cảnh khó khăn, thì việc tìm ra giải pháp để tiếp tục phát triển càng là cơ hội để nhìn ra những ngân hàng nào có đủ sức chống chịu trước rủi ro. Thời gian tới, chưa thể nói trước về tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao, song nếu tiếp tục phức tạp, thì những ảnh hưởng sẽ được biểu hiện ngay trên bảng cân đối kế toán của nhà băng, từ đó sẽ nhìn thấy được những vấn đề về thanh khoản, nợ xấu, khả năng sinh lời...

“Đây có thể xem là hàn thử biểu của ngân hàng, là nhiệt kế để xem cơn sốt nằm ở đâu, tìm tới nguyên nhân để có thể thẩm định chính xác và đưa ra những giải pháp sát sườn nhằm tái cấu trúc phù hợp”, vị này chia sẻ.

Ông Tobias Adrian - Giám đốc bộ phận thị trường tiền tệ và thị trường vốn của IMF đã đưa ra nhận định, các ngân hàng hiện tại có thể chịu được những tác động bất lợi từ dịch Covid-19, song các điều kiện tài chính có thể xấu dần đi. Thực tế, ngân hàng vẫn đang phải đứng trước áp lực về vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Bởi hiện vẫn còn khá nhiều ngân hàng chưa đáp ứng tiêu chuẩn này.

Giới chuyên gia cho rằng, việc thiết lập các mô hình cảnh báo sớm những yếu tố đến từ rủi ro hệ thống sẽ giúp hệ thống tài chính chịu đựng được những cú sốc do chính những rủi ro này đem lại. Bản thân các ngân hàng cũng phải xem lại những chính sách, quy trình của mình để thay đổi phù hợp tình hình kinh tế, nhất là trong giai đoạn kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái do dịch Covid-19. Đây cũng là thời điểm áp dụng các tiêu chuẩn về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro một cách đúng mực nhất.

Tốt cho ngân hàng, lợi cho khách hàng

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh, xem xét lại quy trình hoạt động, quản trị... của mỗi nhà băng không đơn thuần chỉ là giúp ngân hàng có thêm sức chống chịu, nâng cao năng lực tài chính, mà khi ngân hàng khoẻ cũng đồng nghĩa với việc khả năng hỗ trợ, san sẻ với các DN gặp khó khăn cũng nhờ thế mà tăng lên.

Với tinh thần đó, đại diện Vietcombank cho hay, năm 2020 ngân hàng sẽ tập trung thực hiện 4 đột phá chiến lược và 3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh doanh. Theo đó, 4 đột phá chiến lược gồm đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách (cơ chế quản trị nội bộ và cơ chế, chính sách với khách hàng); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng năng lực thích ứng với ngân hàng số; hoàn thiện và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, triển khai ngân hàng số.

Với ba trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, Vietcombank sẽ giảm dần tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững. Nhà băng này sẽ tăng tỷ trọng dư nợ bán lẻ với dự án Chuyển đổi mô hình ngân hàng bán lẻ là nền tảng, gia tăng tỷ lệ tài sản bảo đảm trong tổng dư nợ. Đồng thời tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu từ dịch vụ và đầu tư kinh doanh vốn; cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cũng thừa nhận, việc xem xét cắt giảm chi tiêu không cần thiết của mỗi ngân hàng sẽ là cách thiết thực nhất để hỗ trợ cho khách hàng. Hay đơn cử như việc hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Đỗ Tuấn Anh - Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank chia sẻ, Techcombank đã triển khai ngay làm việc với các nhóm khách hàng trong phân khúc khách hàng theo đuổi, lọc ra những phân khúc khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phân khúc khách hàng rủi ro tín dụng chưa có tác động quá lớn, nhóm khách hàng có yêu cầu hỗ trợ cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất...

Ngân hàng sẽ đi từng nhóm khách hàng để đánh giá tác động, chứ không làm đại trà. Đây là cơ hội để các ngân hàng thích ứng trong trường hợp gặp những rủi ro khách quan mà vẫn phải đảm bảo bảo vệ nguồn lực không bị gián đoạn, song vẫn có thể hỗ trợ khách hàng.

Rõ ràng Covid-19 cũng khiến cho các ngân hàng thay đổi cách làm việc để làm sao không cần quá tập trung số lượng lớn cán bộ, nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc đặt ra. Hầu hết các ngân hàng trong giai đoạn này đều thực hiện giải pháp vận hành cho cán bộ, nhân viên nghỉ luân phiên, đẩy mạnh làm việc trực tuyến. Đồng thời, các ngân hàng cũng tăng cường hơn việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ với các chương trình ưu đãi cho khách hàng giao dịch online.

TS. Cấn Văn Lực nhận thấy, nhà băng đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh số hoá ngân hàng. Trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay, thì chiến lược ngân hàng số sẽ càng được chú trọng hơn. Bởi tuy hạn chế về giao dịch trực tiếp song lại mở ra cơ hội cho các ngân hàng có thể mở rộng và vươn xa hơn tới nhiều đối tượng khách hàng thông qua kênh số, đây là yêu cầu tất yếu và là mục tiêu mà ngân hàng hiện đại hướng tới.