Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ để ngỏ khả năng tăng lãi suất
Dù đã nhiều lần tăng lãi suất, song lãi suất của Mỹ hiện vẫn đang ở mức thấp, do đó, không loại trừ khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm, theo lộ trình dần dần.
Đây là nhận định của ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đưa ra ngày 19/11.
Phát biểu tại một sự kiện ở New York, ông Williams nêu rõ sau 3 lần tăng trong năm nay, lãi suất cơ bản của Mỹ hiện vẫn ở mức thấp. Vì vậy, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất.
Theo ông, Fed đã nỗ lực hết sức nhằm tìm ra lộ trình để từng bước đưa chính sách tiền tệ về mức lãi suất thông thường.
Phó Chủ tịch FOMC cho rằng việc Fed tiếp tục tăng lãi suất theo lộ trình cho phép nền kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng, trong khi vẫn kiểm soát được lạm phát.
Thông tin trên được Phó Chủ tịch FOMC Williams đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng Fed tăng lãi suất. Mặc dù đa phần đều nhất trí cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 tới, song một số nhà kinh tế dự báo nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm tới trong khi nhiều người lại cho rằng Fed sẽ dừng tăng lãi suất.
Bản thân Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đưa ra các chỉ dấu khác nhau, theo đó, cho rằng Fed vẫn còn nhiều động thái phía trước, nhưng ngân hàng này sẽ hành động một cách thận trọng, theo dõi chặt chẽ dữ liệu kinh tế.
Ngay sau khi Chủ tịch Fed chi nhánh New York kiêm Phó Chủ tịch FOMC đưa ra bình luận trên, đồng USD đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong gần 2 tuần qua.
Bất chấp bất đồng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Italy liên quan đến dự thảo ngân sách, đồng euro vẫn tăng 2% so với đồng USD trong 5 phiên giao dịch gần đây. Trong phiên giao dịch ngày 20/11 tại thị trường châu Á, 1 euro đổi được 1,1456 USD.
Nền kinh tế Mỹ đang trong năm tăng trưởng kinh tế thứ 10 liên tiếp, đánh dấu giai đoạn tăng trưởng liên tục dài thứ hai trong lịch sử. Thị trường lao động tiếp tục khởi sắc với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7%, mức thấp kỷ lục gần 50 năm.
Ngoài ra, sau một thời gian dài tăng trưởng “ì ạch,” tiền lương đã đi lên đáng kể phù hợp với tăng trưởng sản xuất. Với một thị trường lao động khoẻ mạnh và tỷ lệ lạm phát gần chạm ngưỡng 2%, nền kinh tế Mỹ đang tiến gần tới đáp ứng mục tiêu kép về lạm phát và việc làm mà Fed đã đề ra.
Giới chuyên gia cho rằng nếu tình hình tươi sáng này tiếp diễn, một sự điều chỉnh lãi suất liên bang từ tốn là hợp lý, song chính sách tiền tệ phải được điều chỉnh phù hợp với thực tế của nền kinh tế. Điều này nhằm đảm bảo việc tăng lãi suất không diễn ra quá nhanh làm kìm hãm tăng trưởng quá mức cần thiết, hoặc quá chậm khiến nền kinh tế phát triển quá nóng, kéo theo nguy cơ lạm phát, giá cả tăng cao.
Dẫu vậy, tiến trình tăng lãi suất của Fed lại đối mặt với sức ép lớn. Tổng thống Donald Trump đã công khai chỉ trích chính sách của ngân hàng trung ương, cho rằng Fed đang đi ngược lại nỗ lực của ông nhằm kích thích nền kinh tế trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức quá thấp.
Động thái của ông Trump được xem là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ khi tính độc lập của Fed lâu nay vẫn được xem là yếu tố quan trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế. Đỉnh điểm của sự bất mãn trên là sau phiên bán tháo cổ phiếu mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ hôm 10/10, ông chủ Nhà Trắng đã đổ lỗi cho Fed gây ra thảm họa chứng khoán bằng những từ ngữ nặng nề.
Gần đây nhất, Tổng thống Trump nói rằng “Fed là mối đe dọa lớn nhất” khi cho rằng Fed nâng lãi suất quá nhanh.
Xét ở góc độ chính trị gia, việc Tổng thống Trump chỉ trích tiến trình tăng lãi suất của Fed không phải là không có lý do. Các chính khách luôn muốn nền kinh tế phát triển mạnh, thất nghiệp giảm, công ăn việc làm dồi dào.
Đặc biệt, điều này càng trở nên quan trọng khi chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Với việc tăng chi phí vay mượn, Fed đang khiến cho công việc kinh doanh khó khăn hơn, chứng khoán giảm điểm - chẳng khác nào một “gáo nước lạnh” đổ vào nỗ lực ca ngợi thành tựu kinh tế của ông Trump.
Mặt khác, lãi suất cao cũng sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền mua trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều hơn, đẩy giá “đồng bạc xanh” lên cao trên thị trường quốc tế.