Ngân hàng đua nhau lên sàn
Những chuyển động trên thị trường tài chính ngân hàng gần đây, bao gồm các nỗ lực chào bán cổ phần ra công chúng, tiến tới lên sàn chứng khoán và tìm kiếm đối tác mua bán cổ phẩn chiến lược, gọi vốn,… đang đánh dấu một cuộc đua mới để lột xác.
Người thẳng tiến
Nếu như VIB đã khẳng định được vị thế cạnh tranh của mình thông qua giá cổ phiếu ổn định, thanh khoản tốt trên UPCoM thì VPBank được xem là “ngôi sao quá nổi” khi đợt niêm yết HoSE của ngân hàng này đã mở đường cho họ soán ngôi vị “top 1” của VCB về sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, ở cả góc độ đầu tư cổ phiếu giá trị và tăng trưởng.
KienlongBank không có nhiều giao dịch đột phá trên UPCoM, song theo ông Võ Văn Châu, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KienlongBank, đây là bước ngoặt lớn đánh dấu nỗ lực của ngân hàng này, trong đó mở ra cơ hội gia tăng thanh khoản cổ phiếu thứ cấp, tạo lợi ích cho cổ đông và nhà đầu tư, cùng với đó là một chuẩn mực về minh bạch và đại chúng trong tổ chức.
Kẻ im lìm
Những TCTD bị NHNN mua lại 0 đồng như CB, OceanBank và GP Bank là những tổ chức đang tái cơ cấu nên dĩ nhiên không nằm trong chuyện phải có lộ trình đại chúng ngay từ bây giờ.
Trong khi đó, một số TCTD có cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường tự do (OTC), thì lại “mỗi nhà một sắc thái”.
Sau khi bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, kể từ tháng 8/2015, cổ phiếu DAF của DongA Bank trên OTC bị đóng băng và các giao dịch phải thông qua NHNN xem xét. Đến thời điểm hiện tại, những cổ đông lớn của DongA Bank như PNJ đã phải trích lập 100% dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư vào DAF. Cấu trúc sở hữu tại ĐôngÁ Bank đến thời điểm hiện tại cũng gần như đang ở trạng thái “tạm đóng”. Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng 2017 của HĐQT DongA Bank cho thấy không có giao dịch phát sinh bao gồm giao dịch cổ phiếu cổ đông nội bộ lẫn cổ đông lớn và người có liên quan.
Một trường hợp không thuộc diện kiểm soát đặc biệt nhưng cũng đang là đối tượng cần được xử lý theo hướng “tìm nhà gả bán” là PGBank. Sau những đàm phán khá ầm ĩ với VietinBank, hiện tại thương vụ M&A này cũng chưa xác thực được hướng đi mới. Hiện có thông tin trên thị trường cho rằng PGBank sẽ “về cùng một nhà” với MBBank. Theo đánh giá của một chuyên gia, thương vụ này chỉ có thể xảy ra trong trường hợp hai bên có thể cùng nhau giải quyết được khúc mắc mà PGBank đã “vấp” khi bàn chuyện cùng VietinBank: Thương lượng giá.
Cổ phiếu PGBank trên sàn OTC hiện đang giao dịch khá sôi động quanh ngưỡng 14.000đ/CP. Đây có thể xem là 1 động thái “săn” cổ phiếu chờ hoán đổi cổ phần để sang tên cổ phiếu sở hữu ở chủ thể mới khi PGBank xác nhận được “nhà mới”.
Sẽ tới lượt ngân hàng nào?
Ngoài những TCTD nói trên và những ngân hàng đã niêm yết trên sàn như VCB, CTG, BID, SHB, ACB, STB, EIB, NVB, MBB, thì thị trường còn không ít các TCTD vẫn đang ở điểm xuất phát về lộ trình đại chúng - niêm yết, giao dịch cổ phiếu chủ yếu ở OTC.
Thời gian gần đây, HDBank đã có sự tăng tốc ngoài tiên lượng của thị trường về kết quả kinh doanh hàng năm. Trong 9 tháng đầu 2017, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ và vươn lên top 4 ngân hàng lãi tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank chia sẻ, ngân hàng phấn đấu đến năm 2018 đạt lợi nhuận 3.900 tỷ đồng và trong 5 năm tới sẽ tăng tổng tài sản bình quân trên 25% mỗi năm so với mức khoảng 180.000 tỷ đồng của năm 2017. HDBank cũng lên kế hoạch bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại trong năm nay và niêm yết trên HoSE vào đầu năm 2018.
Cổ phiếu HDBank đã tạo sóng khi IPC thoái vốn khỏi HDBank ở mức giá đấu thầu bình quân 17.000đ/cp vào tháng 7/2017. Hiện nay, cổ phiếu HDBank trên thị trường OTC khan hiếm và dao động quanh ngưỡng giá 26.000- 27.000đ/cp - giá chưa bao gồm tỷ lệ pha loãng do HDBank vừa phát hành tiếp gần 73 triệu cổ phần để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng và tăng vốn điều lệ lên gần 8.829 tỷ đồng.
Một ngôi sao khác cũng đang nhắm HoSE để thẳng tiến là Techcombank. Cổ phiếu của ngân hàng này hiện đang có giá giao dịch OTC tới 50.000đ/CP, thậm chí khớp 56.000đ/CP. Trong khi đó, cổ phiếu của TPBank giao dịch trên OTC ở mức 19.000đ/CP, cũng là cổ phiếu được dự đoán sẽ kéo dài vệt sáng của các ngôi sao ngân hàng lên sàn ở đầu năm 2018.
Tất nhiên, sóng đón đầu các cổ phiếu ngân hàng IPO và niêm yết, bao giờ cũng đi kèm với những rủi ro nhất định, trong đó không loại trừ động thái đẩy giá của giới đầu cơ.