Ngân hàng hé lộ lợi nhuận quý III
Hiện chưa có báo cáo tài chính nào được công bố, song các ngân hàng cũng bắt đầu hé lộ kết quả kinh doanh quý III/2020.
Nhiều ngân hàng hoàn thành 80 - 90% kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh
Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Eximbank cho hay, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lõi của Ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2020 đạt 1.200 tỷ đồng trước thuế, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm nay là 1.435 tỷ đồng trước thuế. Nếu sau nợ xấu, con số này lần lượt là 1.100 tỷ đồng và 1.318 tỷ đồng, cũng hoàn thành được 84% chỉ tiêu đề ra.
Thế nhưng, kế hoạch lợi nhuận trên của Eximbank đã được điều chỉnh giảm mạnh 40% từ giữa tháng 5/2020 so với kế hoạch ban đầu (tăng 22% so với kết quả đạt được năm 2019).
Thực tế, trước tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động cho vay của các ngân hàng gặp khó khăn khi nhu cầu vốn của khách hàng giảm, nhất là các doanh nghiệp. Điều này khiến không ít ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm trong nửa đầu năm nay, trong đó có Eximbank với mức âm 9%. Đồng thời, nguồn thu từ dịch vụ cũng bị ảnh hưởng do ngân hàng phải giảm phí, lãi cho khách hàng. Thế nhưng, các nhà băng vẫn cố gắng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận theo kế hoạch đã được điều chỉnh so với đầu năm.
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tính đến 30/9/2020, Ngân hàng đã hoàn thành được 90% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2020. Năm nay, Sacombank đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất đạt 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với kết quả năm 2019.
Theo đánh giá của bà Diễm, những tháng cuối năm, cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ cải thiện trong mùa kinh doanh cao điểm. Hiện tăng trưởng dư nợ tại Ngân hàng có chiều hướng tăng lên, trong khi lãi suất huy động giảm giúp có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, cải thiện tín dụng.
Ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên, theo bà Diễm, lãi vay tại Ngân hàng hiện giảm đáng kể so với trước. Sacombank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng từ 11% lên 13,5% để có thêm dư địa cho vay trong mùa kinh doanh cuối năm.
“Dự kiến lợi nhuận năm nay sẽ vượt 20% chỉ tiêu đề ra, tức bằng với con số đạt được của năm 2019 (3.200 tỷ đồng)”, bà Diễm nói.
Tổng giám đốc Viet Capital Bank Ngô Quang Trung thông tin, 9 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng đã hoàn thành 60% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Viet Capital Bank tăng 27% so với kết quả năm 2019 (đạt 158 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).
Theo đánh giá của ông Trung, dư nợ cho vay đang có chiều hướng cải thiện và khả năng quý cuối năm sẽ ở mức cao, tác động tích cực lên lợi nhuận. Kết thúc 9 tháng, tăng trưởng tín dụng của Viet Capital Bank đạt 9% so với đầu năm (mục tiêu cả năm là 17%).
Áp lực trích lập dự phòng rủi ro vẫn lớn
Một mặt cho biết đạt lợi nhuận khả quan sau 9 tháng, nhưng mặt khác, áp lực tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng đang “đè nặng” các nhà băng. Đặc biệt khi nợ xấu được “che dấu” bởi Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhưng vẫn có xu hướng tăng, buộc các ngân hàng phải tăng dự phòng rủi ro. Theo quy định của Thông tư 01, các ngân hàng có thể quyết định thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Mục tiêu xử lý, thu hồi 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Sacombank đã vượt con số này tính đến cuối tháng 9/2020. Tổng dự phòng rủi ro lũy kế đã trích lập từ đầu năm đến nay đạt trên 3.000 tỷ đồng. Dù vậy, Ngân hàng vẫn còn nhiều khoản nợ chưa thể xử lý do vướng mắc thủ tục, trong đó có khoản nợ xấu khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank). Điều này đòi hỏi Sacombank phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Còn theo lãnh đạo Eximbank, với đà tăng trưởng hiện tại, khả năng Ngân hàng sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra năm nay, cho dù mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro. Theo kế hoạch lợi nhuận 2020 đã điều chỉnh, chi phí dự phòng Eximbank trích chủ động tăng 414 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9, Eximbank đã trích lập hơn 200 tỷ đồng dự phòng rủi ro. Trong đó, có khoản nợ xấu của khách hàng được thế chấp bằng 74,9 triệu cổ phiếu STB của Sacombank đến nay chưa xử lý được. Trước đó, vào đầu tháng 10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lý tài sản đảm bảo là hơn 74,9 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay theo quy định.
Tính đến 30/9/2020, quy mô tổng tài sản của Eximbank giảm 10% so với đầu năm một phần do chủ động giảm vốn ở thị trường 2, bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh. Eximbank đã cơ cấu nợ trực tiếp 1.800 tỷ đồng dư nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch trong tổng dư nợ ảnh hưởng liên quan là 7.200 tỷ đồng. Điều này tác động lên lợi nhuận do chưa thể thu lãi dự thu của khách hàng theo quy định Thông tư 01.
Việc rao bán bất thành gần 176,4 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ cũng khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Kienlongbank trong 6 tháng đầu năm nay tăng cao, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ 2019, ở mức 79 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Kienlongbank giảm 30,4%, xuống còn 103 tỷ đồng.
Được biết, số cổ phiếu STB nói trên thuộc sở hữu của các cá nhân trong nước, được thế chấp tại Kienlongbank, nên ngân hàng này muốn rao bán để thu hồi nợ. Có thông tin lô cổ phiếu này được bán với giá 18.000 đồng/cổ phiếu, song lãnh đạo Kienlongbank khẳng định sẽ không bán thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu dù đang cần thu hồi nợ xấu, đồng thời cho biết sẽ xử lý xong khoản nợ này trong năm nay, nếu hoàn thành sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận năm 2020 của Ngân hàng đặt ra ở mức 750 tỷ đồng trước thuế.
Thực tế, quỹ dự phòng rủi ro tại nhiều ngân hàng đã lên đến con số hàng nghìn, thậm chí là cả chục nghìn tỷ đồng. Thế nhưng để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu tăng lên khi Thông tư 01 hết thời hạn cho phép giữ nguyên nhóm nợ, nhiều nhà băng vẫn phải tăng trích lập để “bao” nợ xấu trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 khiến lợi nhuận bị “ăn mòn”.
Đánh giá ngành ngân hàng trong những tháng còn lại của năm 2020, SSI Research cho rằng sẽ không nhiều khả quan. Cụ thể, một phần thu nhập lãi được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm có thể sẽ được thoái thu do khoản nợ này bị hạ xếp loại nhóm nợ, biên lãi ròng (NIM) giảm thêm 60 điểm cơ bản trong nửa cuối năm và các ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm 2020 của ngành ngân hàng ước giảm 22,1% so với cùng kỳ 2019, một mặt do thu nhập hoạt động (TOI) giảm 4% và chi phí dự phòng tăng 47,8%, mặt khác do lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV và VietinBank) ước giảm 35,7% (chủ yếu do chi phí dự phòng ước tăng 58,8% trong nửa cuối năm 2020).
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, nợ xấu sẽ tăng mạnh trong những tháng còn lại của năm, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% vào cuối năm 2020 và đạt 4% trong năm 2021, trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn. Vì thế, lợi nhuận ngân hàng ước tính sụt giảm khoảng 20 - 25% trong năm 2020.