Ngân hàng lãi 'khủng', mức độ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp chưa tương xứng?


Dòng vốn tín dụng là yếu tố then chốt để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay. Trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, việc giảm lãi suất để chia sẻ với bên vay hết sức cần thiết, nhờ đó sẽ kích thích nền kinh tế phát triển, ngân hàng tiếp tục được hưởng lợi vì cho vay nhiều hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các nhà băng hy sinh một phần lợi nhuận để hạ lãi suất vay, hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8% năm nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các nhà băng hy sinh một phần lợi nhuận để hạ lãi suất vay, hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8% năm nay.

Tại hội nghị giữa Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại (NHTM), được tổ chức mới đây, về lợi nhuận ngân hàng, một lần nữa đã được Thủ tướng đề cập cùng yêu cầu các NHTM hoạt động kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận, phải mang lại lợi ích chung cho đất nước.

Ngân hàng lãi đậm nhưng doanh nghiệp còn khó khăn

Giai đoạn trước đại dịch - năm 2018, việc vượt mốc lợi nhuận 10.000 tỷ đồng có thể được coi là hiện tượng khi chỉ 2 đơn vị đạt được là Vietcombank và Techcombank. Nhưng đến nay sau 6 năm, con số này đã tăng lên 12 thành viên gồm: Sacombank, LPBank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, Agribank, Techcombank, ACB, VPBank, HDBank, SHB. Đáng chú ý, một số nhà băng có lãi tỷ USD.

Đứng đầu là Vietcombank với trên 42.200 tỷ đồng, tiếp đó là BIDV và VietinBank với hơn 31.000 tỷ đồng, MB với 28.800 tỷ đồng, Agribank với 27.900 tỷ đồng. Techcombank với trên 27.500 tỷ đồng, ACB là hơn 21.000 tỷ đồng, VPBank đạt 20.013 tỷ đồng, HDBank với 16.000 tỷ đồng.

Trong nhóm này có 3 ngân hàng “bứt phá” lợi nhuận trong năm qua lần đầu lọt vào nhóm ngân hàng lãi chục nghìn tỷ đồng, đó là Sacombank, LPBank, SHB. Cụ thể, năm qua lợi nhuận của Sacombank tăng thêm 33% so với năm trước đó, vượt 20% chỉ tiêu lợi nhuận năm (10.600 tỷ đồng) vượt lên mức 12.700 tỷ đồng. Với LPBank, lợi nhuận của nhà băng này tăng đến gần 73% so với năm trước đó để đạt mức lợi nhuận 12.168 tỷ đồng. Còn lợi nhuận SHB cũng "bứt phá" 25% để gia nhập nhóm lãi chục nghìn tỷ với 11.543 tỷ đồng tiền lãi thu về.

Dù không nằm trong nhóm các ngân hàng lợi nhuận chục nghìn tỷ, nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng như: VIB (9.000 tỷ đồng), TPBank (7.600 tỷ đồng), SeABank (6.039 tỷ đồng), NamABank (4.545 tỷ đồng), Eximbank (4.188 tỷ đồng)…

Một số ngân hàng thương mại nhỏ cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận “khủng” như: BVBank với mức tăng hơn 400%, Eximbank, Nam A Bank, Kienlongbank hơn 50%...

Câu chuyện ngân hàng lãi đậm là điều đáng vui, nhưng đặt trong bối cảnh doanh nghiệp chưa vượt qua hết khó khăn lại là điều đáng bàn. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024 có khoảng 100.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,4% so với năm trước; hơn 76.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 16,3% và gần 22.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20%. Trong khi đó, sự phục hồi khu vực doanh nghiệp vẫn yếu khi số doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2024 giảm gần 2% so với năm 2023…

Hy sinh một phần lợi nhuận để hạ lãi suất 

Các ngân hàng cho biết những năm qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lãi suất liên tục giảm... Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối năm ngoái, lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối 2023. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Nợ xấu được kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3%.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank cho biết, trong năm 2024, TPBank đã tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao là 20,25%. Đáng chú ý, TPBank đã giảm lãi suất cho vay với khoảng 1.900 tỷ đồng cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỷ đồng để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Trong khi đó, tại Agribank năm 2024 dư nợ tín dụng đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng này đã triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước với quy mô lên tới trên 457.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 2-3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Tuy nhiên, không ít người dân và doanh nghiệp phản ánh vẫn phải vay với mức lãi suất cao, nhất là các khoản vay cũ với người vay mua nhà. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng ngành ngân hàng cần cần chia sẻ nhiều hơn nữa với khó khăn của doanh nghiệp, người dân.

Cũng tại tại hội nghị với các ngân hàng mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ngành ngân hàng góp phần quan trọng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong bối cảnh lợi nhuận của phần lớn ngân hàng thương mại năm ngoái đều gia tăng. Thủ tướng cho rằng các nhà băng vẫn cần giảm chi phí, hy sinh một phần lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8% năm nay, tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số giai đoạn tới. "Các ngân hàng kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận phải mang lại lợi ích chung cho đất nước", Thủ tướng nói.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay các kênh huy động vốn trung và dài hạn như chứng khoán và trái phiếu còn vấn đề, tín dụng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Thông thường, để có 1% tăng trưởng kinh tế, tín dụng phải tăng 2 điểm phần trăm. Tức là, tín dụng năm nay phải tăng khoảng 16%. “Vai trò của dòng vốn tín dụng là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%”, một chuyên gia nhận định.

Các ngân hàng cam kết nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân.

Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, Agribank cũng như các NHTM khác đã nhận được văn bản từ NHNN về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025. Theo đó, Agribank có thể tăng trưởng tín dụng lên đến 13%. Với quy mô dư nợ hiện tại của ngân hàng là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, năm 2025, ngân hàng có thể tăng quy mô cho vay thêm khoảng 230 nghìn tỷ đồng so với năm 2024.

Với dự báo xu hướng và tình hình kinh tế hiện tại, ngân hàng nhận định năm 2025 có nhiều thuận lợi đối với hoạt động cho vay, đặc biệt khi Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng khoảng 8%, phấn đấu đạt trên 10%. Theo đó, Agribank sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn vay và giảm lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp thông qua các chương trình cho vay phù hợp.

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn