Ngân hàng lỗ, lãi trăm tỷ với mảng kinh doanh ngoại hối

Theo Lê Hải/ndh.vn

Không ít ngân hàng báo lỗ thuần hoặc giảm lãi từ hoạt động ngoại hối do chi về các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê của Người Đồng Hành, 14 trên tổng số 26 ngân hàng ghi nhận giảm ở lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối sau 9 tháng, trong khi phần còn lại có kết quả tăng.

Sau 9 tháng, VPBank (HoSE: VPB) lỗ thuần từ kinh doanh ngoại hối hơn 117 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2018 lãi 251 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là thu về các công cụ phái sinh tiền tệ giảm 71% xuống 296 tỷ đồng, trong khi chi tăng hơn 16%.

Theo sau VPBank là VIB với khoản lỗ thuần 114,7 tỷ đồng, cùng kỳ 2018 lỗ 20,7 tỷ đồng. Tương tự, chi về các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ của VIB tăng 4,5 lần, lên 296,5 tỷ đồng, trong khi thu từ mảng này chỉ đạt 169 tỷ đồng, là lý do lỗ thuần ngoại hối tăng. 

Bản Việt là ngân hàng tiếp theo trong danh sách báo lãi thuần từ hoạt động ngoại hối giảm từ 115 tỷ đồng xuống 19,2 tỷ đồng. Thuyết minh chi tiết không được công bố. Một loạt các ngân hàng khác như SEABank, SaigonBank, BacABank, NCB, MSB… cũng giảm lãi thuần từ ngoại hối 63-79% chủ yếu do chi về các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ.

Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của 26 ngân hàng 9 tháng đầu năm. Nguồn: Fiinpro.
Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của 26 ngân hàng 9 tháng đầu năm. Nguồn: Fiinpro.
 

Công cụ phái sinh tiền tệ là một trong những biện pháp phòng ngửa rủi ro về tỷ giá của ngân hàng khi tham gia hoạt động kinh doanh tiền tệ. Các công cụ phái sinh tiền tệ có thể điểm tới gồm hợp đồng ngoại hối kỳ hạn, hợp đồng ngoại hối hoán đổi, hợp đồng ngoại hối quyền chọn và hợp đồng ngoại hối tương lai... Bên cạnh mục đích phòng ngừa rủi ro, công cụ phái sinh tiền tệ cũng có thể được sử dụng để đầu cơ mang lại lợi nhuận cho các nhà băng. 

Từ đầu năm tới cuối tháng 9, phần lớn thời gian tỷ giá VND/USD giữ ổn định, chỉ một lần tạo sóng từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5, trước khi giảm trở lại từ tháng 7 và đi ngang sau đó. Tỷ giá mua vào của các ngân hàng ở đỉnh sóng tăng 0,84% so với cuối 2018, ở mức 23.360 đồng/USD. 

Theo báo cáo của Bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI), trong tháng 7, VND đã tăng giá 0,52% so với USD và tính chung cả hai tháng 6 và 7 đã tăng giá 0,94%, bù lại toàn bộ mức mất giá 0,89% của đợt sóng tháng 5. Trong phần lớn thời gian của quý III, VND trở thành số ít những đồng tiền giữ giá ổn định từ đầu năm. 

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tỷ giá phần lớn đi ngang trong 9 tháng qua có thể là nguyên nhân các nhà băng trên bị giảm lợi nhuận từ hoạt động ngoại hối. "Việc không có những đợt sóng tỷ giá khiến ngân hàng ít có cơ hội thu lãi từ việc kinh doanh này", ông Hiếu bình luận. Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dừng hoạt động cho vay ngoại tệ, điều này cũng làm tác động tới hoạt động của loại hình kinh doanh này tại các nhà băng. 

Những ngân hàng đi ngược dòng 

Ở chiều ngược lại, nhiều đơn vị cũng ghi nhận chuyển biến tích cực. Đơn cử, LienVietPostBank chuyển từ lỗ thuần kinh doanh ngoại hối gần 7 tỷ đồng trong 9 tháng năm trước, sang lãi 47,2 tỷ đồng. TPBank báo lãi thuần hoạt động ngoại hối tăng 168% lên gần 25 tỷ đồng.

VietinBank, một trong 4 ngân hàng quốc doanh, cũng góp mặt trong top 3 đơn vị tăng trưởng lãi thuần ngoại hối cao, hơn 120% lên gần 1.189 tỷ đồng trong 9 tháng. Vietcombank và BIDV cũng ghi nhận tăng trưởng lần lượt 58% và 36%. Đây là 3 ngân hàng có lãi từ kinh doanh ngoại hối dẫn đầu trong các đơn vị khảo sát, chiếm hơn 66% cơ cấu.

Các ngân hàng tư nhân khác cũng có chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh ngoại hối như MB, Eximbank, HDBank, Sacombank… với lãi thuần tăng 35-57%. Mức tăng thấp hơn có SHB (12%) và ACB (11,5%).

Tính chung, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của 26 ngân hàng trong 9 tháng đạt hơn 6.833 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ đóng góp tăng trưởng của 3 ngân hàng quốc doanh.