Ngân hàng lớn nhỏ chạy đua giảm lãi suất cho vay mùa dịch COVID-19

Theo Đình Vũ/nhadautu.vn

Cho đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 10 ngân hàng tham gia vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay với các gói hỗ trợ lên tới hàng trăm nghìn tỷ và lãi suất giảm tới 2-4,5%.

 Hơn 20 ngân hàng - chiếm khoảng 75% tín dụng toàn nên kinh tế cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay từ 2-4,5%. Nguồn: internet
Hơn 20 ngân hàng - chiếm khoảng 75% tín dụng toàn nên kinh tế cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay từ 2-4,5%. Nguồn: internet

4 ông lớn ngân hàng quốc doanh là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank đã lần lượt tung ra các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ giảm 2-2,5% so với thời điểm chưa có dịch bệnh. Mức giảm này là chưa từng có từ năm 2009 đến nay.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cho biết ngân hàng đã có chính sách giảm lãi suất VND đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng bởi dịch với tổng dư nợ trên 112.700 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung. Cùng với đó, thời gian tới, ngân hàng này sẽ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Như vậy, mức lãi suất mà doanh nghiệp phải chịu chỉ còn khoảng 4,5-5%/năm.

Ngân hàng Agribank cũng đã dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Lãi suất áp dụng thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.

VietinBank thông báo chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng, giảm 2% lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.

Tại BIDV cũng giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay áp dụng cho cả vay thế chấp lẫn tín chấp. Đối với dư nợ hiện hữu, ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Không chỉ các ngân hàng lớn chạy đua giảm lại suất cho vay, các ngân hàng nhỏ cũng đã sớm vào cuộc. VIB, HDBank, KienlongBank, TPBank, VPBank đã lần lượt đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất lớn nhỏ.

VIB là ngân hàng tiên phong công bố hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay hiện hữu. VIB tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2,0% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực với dư nợ khoảng 10.000 tỷ đồng.

HDBank giảm mạnh lãi suất cho vay với mọi khách hàng, không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch COVID-19 kể từ ngày 31/3. Gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong cả nước.

Kienlongbank quyết định giảm 3%/năm lãi suất cho vay trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký kết đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. 

VPBank tung gói hỗ trợ đặc biệt thứ 2, giảm lãi suất đến 2% cho doanh nghiệp gặp khó khăn mùa dịch. Cụ thể, đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay VND, 1%/năm đối với khoản vay USD. Đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm đối với khoản vay VND và 1%/năm đối với các khoản vay USD.

TPBank tung chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng giải ngân mới với tổng dư nợ lên tới 12.000 tỷ đồng. Theo đó, TPBank có các gói 5.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, gói 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn, và 3.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân, với mức lãi suất ưu đãi giảm 1,5-2,5% so với mức lãi suất hiện hành.

NIM các ngân hàng sẽ giảm do giảm lãi suất

Khi cam kết giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank cũng chia sẻ, "lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm 300 tỷ đồng vì chính sách này".

Vietcombank sẽ không phải là trường hợp duy nhất bị ảnh hưởng lợi nhuận do giảm lãi suất.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), NIM (sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) sẽ giảm nhẹ ở hầu hết các ngân hàng.

Nhiều khả năng ảnh hưởng lên NIM ở các ngân hàng quốc doanh như BIDV và VietinBank sẽ mạnh hơn so với các ngân hàng tư nhân do tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động) cao làm hạn chế dư địa giảm chi phí huy động.

Tuy nhiên, VDSC vẫn kỳ vọng một số ngân hàng sẽ có khả năng tăng nhẹ NIM như HDBank và MBB (nhờ tài chính tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn ngân hàng mẹ) và Techcombank (do giảm chi phí huy động và tăng trưởng tín dụng năm 2019 phản ánh đầy đủ vào thu nhập lãi năm 2020).

Dù vậy, VDSC không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiếp tục đề ra các chính sách nhằm giảm lãi suất cho vay sâu hơn nữa. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch có thể có phạm vi lớn, các gói hỗ trợ tín dụng có thể không phải chỉ dành cho các doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch mà có thể còn mở rộng ra những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp. Như vậy, trong trường hợp đó, các ảnh hưởng của dịch lên NIM của các ngân hàng có thể sẽ mạnh hơn dự kiến.