Quản lý tài chính tốt, không sợ nợ góp thời Covid-19
Dịch bệnh phức tạp khiến nhiều người bị giảm thu nhập. Điều này kéo theo những lo ngại về việc trả những món nợ ngân hàng mỗi tháng của nhiều người. Vậy đâu là giải pháp gỡ khó cho người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn này?
Khó khăn vì giảm thu nhập
Chị Phan Thu Ánh (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thu nhập của gia đình trong 2 tháng vừa qua đã giảm đi một nửa so với trước đây vì kinh doanh ế ẩm. Thế nên, hai vợ chồng lo không trả được nợ mua nhà đúng hạn cho ngân hàng.
Chị Đ.C. Tú (TP. Hồ Chí Minh) cùng chung nỗi lo khi mỗi tháng phải đóng gần chục triệu tiền vay mua nhà trả góp. Chị Tú chia sẻ, lương giáo viên mầm non của chị tại một trường tư quốc tế tại thành phố không tệ, mỗi tháng hơn chục triệu đồng; cộng thêm lương của chồng làm tại bệnh viện cũng giúp hai vợ chồng trẻ mua được căn hộ chung cư hơn 2 tỷ đồng tại quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Nay dịch bệnh, chị nghỉ ở trường mấy tháng nay không có thu nhập, chồng thì tăng ca liên tục ở bệnh viện, nhưng thu nhập vẫn không tăng. Trong khi đó, hàng tháng hai vợ chồng phải chi gần 20 triệu đồng để trả khoản vay mua nhà trả góp cách đây một năm.
“Khi ký hợp đồng vay chúng tôi tự tin về thu nhập của mình nên chỉ đặt đơn vay dưới 10 năm. Ai ngờ dịch bệnh đến đột ngột và vẫn đang kéo dài, chưa biết khi nào mới kết thúc khiến chúng tôi lo lắng không trả được khoản nợ hàng tháng trong thời gian tới”, chị Tú chia sẻ.
Bạn Trần Văn Thương (sinh viên, TP. Hồ Chí Minh) buồn bã hơn khi cho hay bạn đã mất công việc làm thêm tại một quán ăn gần trường. Trong khi đó, bạn đang có khoản nợ vay tiêu dùng hơn 30 triệu đồng mua xe máy tại một công ty tài chính, tiền lãi cộng tiền gốc mỗi tháng phải trả vài triệu đồng. Nay mất việc không biết phải tính thế nào.
Quả thật, không riêng gì trường hợp chị Ánh, chị Tú hay bạn sinh viên tên Thương mà giờ đây, rất nhiều người lo ngại sẽ không thanh toán kịp thời các khoản nợ vay ngân hàng. Một số người nói rằng tạm thời chắc phải vay mượn anh em bạn bè hoặc gia đình để thanh toán cho đúng hạn rồi thời gian tới đi làm có dư thì trả lại người thân.
Với những lo lắng hiện tại, một số chuyên gia khuyên người vay nên trao đổi với đơn vị vay để xem phía cho vay có hướng giải quyết như thế nào và ngồi lại cùng nhau tìm cách tốt nhất cho cả hai. Trong đó, hai yếu tố giãn nợ, giảm lãi suất đặc biệt rất có ích ở thời điểm này.
Thực ra, khi trao đổi với một vài lãnh đạo ngân hàng và công ty tài chính, giới này cũng nhận thấy được khó khăn hiện hữu của khách vay. Vì vậy, hiện các ngân hàng cũng đang nghiên cứu để đưa ra chính sách giảm lãi, giãn nợ hỗ trợ người vay nhưng phải xét trên từng trường hợp cụ thể. Theo đó, mỗi khách hàng có quyền chủ động đề nghị ngân hàng và trình bày nguồn thu nhập bị sụt giảm như thế nào, trên cơ sở đó ngân hàng sẽ thẩm định lại. Tuy nhiên, việc này cũng không phải dễ dàng vì khách hàng cần phải chứng minh được nhiều yếu tố để cho thấy mức độ thu nhập giảm vì lý do khách quan. Bởi ngân hàng cũng vướng phải rất nhiều quy định trong việc cho vay cũng như vấn đề nợ xấu cần phải xem xét.
Bình tĩnh tìm giải pháp
Rút kinh nghiệm ở thời điểm hiện tại, các nhà chuyên môn khuyên người vay tiền nên cẩn trọng trong tương lai và biết cách quản lý tài chính, tính toán món vay tốt hơn để tránh rơi vào trường hợp tương tự. Đơn cử, một người có kinh nghiệm mua nhà trả góp chia sẻ rằng: khi mua nhà trả góp, người mua lúc nào cũng phải tích luỹ ít nhất 6 tháng tiền nhà và tiền nhà trả hàng tháng chỉ có thể bằng 33% thu nhập của hai vợ chồng. Ở các nước trên thế giới, người mua nhà luôn được nhân viên ngân hàng tư vấn về công thức này khi đặt đơn vay tiền trả góp.
Hoặc cách đơn giản nhất hiện nay là người vay nên đặt đơn đề xuất ngân hàng cho thay đổi hình thức trả nợ. Trong đó, đưa ra đề xuất trả lãi trước cho vài tháng dịch và khất nợ phần gốc qua một vài tháng sau... phù hợp với tài chính của mỗi người là điều nên làm. Bởi như đã nói ở trên, ngân hàng luôn có chính sách linh hoạt để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ có cách hỗ trợ những khách hàng uy tín. Và trong mọi hoàn cảnh, ngân hàng cũng cần giữ khách hàng nên sẽ đưa ra đối sách phù hợp nhất.
Khi vay nợ để phục vụ cho mục đích riêng như vay tiêu dùng hay để kinh doanh thì không ai muốn mình không trả được số nợ đó cả. Nhưng trong quá trình vay nợ, cũng có thể gặp phải những chuyện khó khăn hoặc biến động lớn làm cho nguồn thu nhập bị giảm sút, từ đó nguy cơ không trả được nợ đúng hạn là rất cao.
Trước sự bối rối của người vay nợ, một lãnh đạo của ngân hàng OCB tổng hợp lại và đưa ra những gợi ý chi tiết về phương án trả nợ hiệu quả cho người vay khi nguồn thu nhập bị giảm. Cụ thể, khi gặp phải tình cảnh nợ ngân hàng đến hạn không đủ nguồn tiền để trả, hẳn ai cũng sẽ cảm thấy rất hoang mang và lo sợ. Vì thế điều quan trọng nhất là người vay không được để lo lắng lấn át và đánh mất niềm tin. Hãy để bản thân yên tĩnh một vài ngày. Điều này sẽ giúp bạn bình tâm lại, tiếp đó mới bắt đầu suy nghĩ giải pháp.
Khi đã bình tĩnh, người vay nên lập ra một danh sách những khoản nợ đang có để dễ theo dõi chúng. Sau đó, tập trung tất cả nguồn lực hiện có để giải quyết khoản nợ có lãi suất cao nhất và khẩn cấp nhất đầu tiên. Bởi vì khoản nợ có lãi suất cao kéo theo số tiền mà bạn phải trả lãi hàng tháng cũng tăng theo. Điều này sẽ làm cho khoản nợ của bạn ngày một lớn hơn rất nhiều. Chia tay sớm với khoản nặng nhất, bạn sẽ nhanh chóng giải quyết được nốt các khoản còn lại.
Hiện nay có một số phương pháp trả nợ mà ngân hàng đưa ra người vay có thể lựa chọn như: Phương pháp chọn khoản nợ thấp nhất trả trước. Cách thực hiện là trả mức tối thiểu trên mọi tài khoản nợ, nhưng trả nhiều hơn cho tài khoản có tổng số tiền nợ còn lại thấp nhất. Khi bạn thanh toán hết một tài khoản, lặp lại với tài khoản có khoản nợ thấp kế tiếp. Cách này mang tính tâm lý nhiều hơn. Khi bạn hoàn thành một nhiệm vụ đầu tiên, bạn sẽ có động lực để thanh toán khoản nợ kế.
Trong khi đó, phương pháp chuẩn là trả lãi cao nhất trước. Tức là người vay trả mức tối thiểu trên mọi tài khoản nợ, nhưng trả nhiều hơn cho tài khoản có tiền lãi cao nhất. Khi bạn thanh toán hết một tài khoản, lặp lại với tài khoản có khoản tiền lãi cao nhất kế tiếp. Cách này mang tính tính toán. Bạn thanh trừ tài khoản nợ đang vắt kiệt bạn nhiều nhất trước.
Sau khi lựa chọn cho mình giải pháp phù hợp nhất mà vẫn cảm thấy chưa an toàn, cần thêm thời gian để tiến hành thì như đã phân tích ở trên, người vay cần xin gia hạn nợ vay để ổn định tâm lý và có thêm thời gian để kiếm tiền. Sau khi nhận ra nguyên nhân dẫn tới việc trả nợ quá hạn thì bạn có thể đến trực tiếp ngân hàng đã vay vốn, trình bày rõ khó khăn của mình với nhân viên tín dụng. Hai bên cùng thỏa thuận về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, gia hạn thời gian trả nợ cho bạn. Bạn và ngân hàng sẽ thương lượng với nhau để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích của hai bên. Tuy nhiên, việc có được gia hạn nợ hay không còn tùy thuộc vào quyết định của ngân hàng…