Ngân hàng ngoại gia tăng sức ép cạnh tranh

Theo tapchithue.com.vn

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” đang ở chặng đường cuối cùng với nhiều thương vụ sáp nhập diễn ra, tạo điều kiện để thị trường được sắp xếp lại theo một trật tự mới.

Nhiều ngân hàng nước ngoài quyết định mở ngân hàng con tại Việt Nam. Nguồn: internet
Nhiều ngân hàng nước ngoài quyết định mở ngân hàng con tại Việt Nam. Nguồn: internet

Trật tự mới của hệ thống ngân hàng

Sau gần 4 năm, quá trình tái cơ cấu được ví như một “cuộc đại phẫu” với hàng loạt thương vụ hợp nhất, sáp nhập, mua lại. Trong đó, thương vụ sáp nhập đầu tiên là 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB thành SCB; TrustBank đổi tên thành VNCB; WesternBank sáp nhập vào PVFC rồi đổi tên thành PvcomBank; Habubank nhập vào SHB, Đại Á vào HDBank; TiênPhongBank gọi vốn từ Doji rồi đổi tên thành TPBank; Navibank tìm được nhà đầu tư, tự tái cơ cấu và đổi tên thành NCB… Sắp tới, sẽ có thêm 2 ngân hàng “biến mất” đó là PGBank khi sáp nhập vào Vietinbank và cái tên Southerbank cũng sẽ bị xóa sổ khi nhập vào Sacombank.

Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động tái cơ cấu được cả hệ thống đẩy nhanh và quyết liệt như thời gian qua. Mặc dù không có ngân hàng nào bị phá sản, nhưng lần đầu tiên trên thị trường xuất hiện khái niệm mua lại ngân hàng 0 đồng khi hàng loạt ngân hàng yếu kém như VNCB, Ocanbank, GPBank rơi vào diện kiểm soát đặt biệt và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải mua lại với giá 0 đồng/cổ phần. Bên cạnh việc mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng. NHNN còn gia tăng nhân sự vào tham gia quản trị, điều hành và hỗ trợ tài chính cho ngân hàng mua lại. Chính vì thế, số đơn vị quốc doanh do NHNN sở hữu 100% vốn, trước đó chỉ có Agribank, nay đã nâng lên 4.

Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc giai đoạn tái cấu trúc theo Đề án 254, nhiều ý kiến cho rằng NHNN sẽ còn tiếp tục quyết liệt và mạnh mẽ xử lí và thanh lọc hệ thống trong thời gian còn lại của năm. Với những gì diễn biến như thời gian qua, thì mọi thông tin vẫn là những ẩn số và thị trường giờ đây không thể đồn đoán thêm gì, chắc chắn phải chờ đợi những động thái rõ ràng phát đi từ phía cơ quan quản lí.

Ngân hàng ngoại gia tăng sức ép

Mới đây, ngân hàng E.SUN của Đài Loan đã thành lập chi nhánh Đồng Nai, nâng tổng số ngân hàng Đài Loan tại Việt Nam lên tới 11. Khi được hỏi vì sao chọn Việt Nam để đầu tư, ông Hoàng Nam Châu, Tổng giám đốc E.SUN, cho biết, tại Đài Loan, E.SUN hoạt động ở nhiều lĩnh vực, bao gồm dịch vụ DN, công ty tài chính, quản trị tài chính, tài chính cá nhân, dịch vụ tài chính, hỗ trợ phát hành thẻ tín dụng cùng các dịch vụ tài chính điện tử… E.SUN đã có mạng lưới phục vụ tại 6 quốc gia với 17 điểm phục vụ, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Singapore, Trung Quốc, Hoa Kỳ… Cùng với việc thành lập chi nhánh Đồng Nai Việt Nam và dự kiến khai trương ngân hàng con tại Trung Quốc và chi nhánh Thẩm Quyến vào cuối năm nay, E.SUN sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các thị trường mới nổi.

Lâu nay đã có nhiều lo ngại về việc các định chế tài chính nước ngoài tìm cách mua, bán, sáp nhập với các ngân hàng Việt Nam để thâu tóm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xu hướng này không thể thực hiện được vào thời điểm hiện nay, bởi rất nhiều quy định, chính sách ràng buộc. Thế nhưng, nếu nhìn vào số lượng các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh trong vòng 10 năm trở lại đây, thì thấy rõ ràng các ngân hàng ngoại vẫn đang lặng lẽ xâm nhập sâu vào thị trường tài chính Việt Nam. Số lượng ngân hàng ngoại ngày càng mở rộng sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các ngân hàng trong nước, trước hết các sản phẩm cung cấp cho DN FDI.

Có nhiều nguyên nhân để các ngân hàng nước ngoài quyết định mở ngân hàng con tại Việt Nam thay vì mua cổ phần ngân hàng trong nước mà một trong các lý do là, các ngân hàng này có tiềm lực tài chính mạnh và đủ tiêu chuẩn để thành lập ngân hàng con. Điều này được lãnh đạo của Hong Leong Bank thừa nhận: “Triết lí kinh doanh của phần lớn ngân hàng nước ngoài là nhanh chóng hòa nhập với thị trường mà họ đang kinh doanh. Tuy nhiên, cách mua cổ phần của ngân hàng trong nước không đáp ứng được điều này”. Ngoài ra, việc mở ngân hàng con tại Việt Nam cho thấy, sự cam kết đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Vì vậy, quyết định thành lập ngân hàng con với đầy đủ năng lực là cách phát triển hợp lí hơn