Ngân hàng Nhà nước đề xuất chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2% sang hình thức khác
Dự kiến hết 2023, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp lên tới 40.000 tỷ đồng chỉ giải ngân được gần 6%, Ngân hàng Nhà nước đề xuất chuyển số không sử dụng hết sang hình thức hỗ trợ khác.
Nội dung trên được Ngân hàng Nhà nước đề cập trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội phục vụ thẩm tra báo cáo bổ sung kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023 vào sáng ngày 26/4.
Gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng ban hành năm 2022, được doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hết sức trông chờ. Đến cuối tháng 2/2023, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt gần 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng.
Dự kiến, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đến hết năm 2023 (hết thời hạn chương trình) đạt khoảng 2.570 tỷ đồng. Số dự kiến không sử dụng hết của gói hỗ trợ là 37.430 tỷ đồng (năm 2022 là 15.900 tỷ đồng, năm 2023 là 21.530 tỷ đồng).
Mặc dù đánh giá đây là chính sách mà ngành ngân hàng thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhất từ trước tới nay, nhưng Ngân hàng Nhà nước thừa nhận kết quả thực hiện gói này thấp, chưa được như kỳ vọng.
Vướng mắc chính của gói chính sách này là điều kiện vay với khách hàng, trong đó quy định đưa ra phải đánh giá được khách hàng “có khả năng phục hồi”. Cùng với đó là tâm lý e ngại của khách hàng và ngân hàng thương mại với các thủ tục thanh tra, kiểm toán sau này cũng như e ngại khi đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện theo quy định.
Trước đó, tại lễ công bố Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 ngày 11/4/2023, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Dự án PCI cho hay, theo kết quả khảo sát 12.000 doanh nghiệp tham gia PCI 2022, hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn, trở ngại khi tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Cụ thể, 74,8% doanh nghiệp cho biết, điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất; 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục; 5,6% doanh nghiệp cho rằng, thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp bàn về giải ngân vốn đầu tư công ngày 13/4/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận, “doanh nghiệp có khả năng phục hồi” là tiêu chí trừu tượng, khó đánh giá, nên quá trình triển khai gói 40.000 tỷ đồng nảy sinh vướng mắc.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại “giải ngân tối đa có thể” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nếu chuyển sang sử dụng cho chính sách khác thì phải làm rõ chính sách gì để đề xuất phương án cụ thể. Như vậy, quan điểm của Chính phủ là giải ngân tối đa trước khi tính đến giải pháp chuyển nguồn.