Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng hơn 58 nghìn tỷ đồng
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm ròng trên kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) khi lượng lớn tín phiếu 58.200 tỷ đồng đáo hạn.
Kênh OMO tuần vừa qua tiếp tục không thực hiện giao dịch mới. Với 58.200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, tổng khối lượng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường giảm về 15.000 tỷ đồng và toàn bộ sẽ đáo hạn trong tuần này (4/12-8/12). Như vậy, NHNN bơm trả lại thị trường tổng số 204.649 tỷ đồng đã hút về từ 2 tháng trước.
Động thái này tiếp tục giữ lại suất liên ngân hàng ở mức thấp. Lãi suất kỳ hạn qua đêm duy trì ở 0,14%, giảm 1 điểm cơ bản so với tuần trước đó; lãi suất kỳ hạn 1 tuần ở mức 0,36% (tăng 6 điểm cơ bản so với tuần trước); lãi suất kỳ hạn 1 tháng hiện ở mức 1,13%. Chênh lệch giữa lãi suất VND-USD kỳ hạn qua đêm ở mức giảm 500 điểm cơ bản.
Điểm đáng chú ý là thanh khoản trên thị trường 2 sôi động với khối lượng giao dịch ở kỳ hạn qua đêm ở mức trung bình khoảng 240.000 tỷ đồng/ ngày – cho thấy sự phân bổ thanh khoản trên thị trường không đồng đều giữa các ngân hàng thương mại. Điều này cũng phản ánh qua mức tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, đến ngày 23/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 8,4%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm và tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng không đồng đều. Do đó, NHNN trong tuần trước đã thông báo mức tăng trưởng tăng thêm nếu TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo.
Theo SSI Research, 4 ngân hàng thương mại sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ động thái trên là MSB, TCB, OCB và VPB.
Trên thị trường 1, trong tuần trước, các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng thương mại tư nhân tiếp tục điều chỉnh giảm thêm lãi suất huy động, với mức giảm 10-30 điểm cơ bản.
Như vậy, mức lãi suất ở các ngân hàng thương mại tư nhân đã giảm về mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ từ 4,3%-4,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho cả cá nhân và tổ chức kinh tế.