Ngân hàng niêm yết và cái đích 2020
Một trong những yêu cầu của Thủ tướng với ngành ngân hàng trong tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 là bắt buộc tất cả các NHTM phải niêm yết trên sàn chứng khoán để đảm bảo tính minh bạch. Nhiều nhà băng vẫn chưa niêm yết dù gần nửa đầu năm 2020 gần đi qua.
Theo cập nhật mới nhất từ họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 của ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), ngân hàng sẽ thay đổi lộ trình kế hoạch dự kiến niêm yết. Theo đó, lộ trình lưu ký và niêm yết được điều chỉnh tạm ngừng để đợi hoàn thành thủ tục pháp lý về trụ sở mới. Chưa có thời điểm cụ thể ABBank sẽ lên kế hoạch niêm yết trở lại.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2019, các cổ đông ABBank đã rất kỳ vọng về việc ngân hàng sẽ sớm niêm yết trên sàn HoSE trong năm 2019 để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu. Việc chuyển địa điểm trụ sở chính ra Hà Nội của ABBank cũng đã được đồng ý từ năm 2019.
Theo Quyết định số 242 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28/2/2019 phê duyệt Ðề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", đến hết năm 2020, tất cả các NHTM sẽ phải đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, trong số 31 ngân hàng đang hoạt động trên thị trường thì mới có 18 cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch trên sàn chứng khoán, trong đó 10 cổ phiếu được giao dịch trên sàn HoSE gồm VCB, CTG, BID, TCB, MBB, VPB, HDB, EIB, STB, TPB; 3 cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX là ACB, SHB, NVB và 5 cổ phiếu niêm yết trên sàn UPCoM là LPB, VIB, VBB, BAB, KLB.
Trong khi một số ngân hàng đang muốn chuyển sàn giao dịch từ HNX sang HOSE như ACB, SHB, một vài ngân hàng khác đang lên sàn "dang dở" như MSB, VietCapital Bank, OCB thì nhiều ngân hàng vẫn chưa thấy có động tĩnh nào rõ ràng về việc sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng đang trong quá trình lên sàn thì thời điểm hiện tại không thực sự phù hợp để tiến hành niêm yết.
"Dịch bệnh khiến thị trường tài chính toàn cầu lao đao, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Việc lên sàn ở thời điểm hiện tại rất có thể sẽ gây bất lợi cho giá cổ phiếu của ngân hàng", vị này cho biết.
Tại buổi họp báo gần đây thông tin về tình hình hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 cũng không có thông tin gì về yêu cầu các NHTM không được "lỡ hẹn" lên sàn, cũng không rõ cơ quan quản lý có tiếp tục lùi hạn chót các ngân hàng phải lên sàn hay không. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên thị trường tài chính thì kế hoạch này sẽ tiếp tục được gia hạn.
Việc gia hạn lên sàn có thể tạo điều kiện cho các ngân hàng lựa chọn được thời điểm thuận lợi nhất. Tuy nhiên, việc này cũng vô tình làm cho các ngân hàng tiếp tục "nhờn luật", đặc biệt với một trường hợp là cố tình trì hoãn việc lên sàn để không bị "để ý".
Đã từng có những kỳ vọng rất lớn từ thị trường về một đợt sóng các ngân hàng lên sàn dịp cuối năm 2019, đầu năm 2020. Đặc biệt là những cổ phiếu ngân hàng đang lên kế hoạch niêm yết như MSB, ABBank, OCB. Mong rằng cuối năm 2020 sẽ có một đợt sóng như thế để đáp ứng mong mỏi của nhà đầu tư.