Ngân hàng nội chậm chân

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dịch vụ quản lý tài sản cá nhân của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến và chưa được các ngân hàng nội quan tâm đúng mức.

Ngân hàng nội chậm chân
Dịch vụ quản lý tài sản cá nhân của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. Nguồn: internet

Vài năm trở lại đây, tại Việt Nam, những người có tài sản trên 10 tỷ đồng mỗi ngày một nhiều. Hầu hết những người này có nhu cầu được quản lý tài sản hợp lý, an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, các ngân hàng Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những gói dịch vụ ưu đãi rời rạc, nhỏ lẻ như phát hành thẻ VIP, ưu đãi hạn mức tín dụng, tổ chức chương trình tri ân… Trong khi đó, một số ngân hàng nước ngoài có mặt tại Việt Nam như ANZ, HSBC đã nhanh chóng tận dụng tiềm năng này để biến thành cơ hội kinh doanh thu nhiều lợi nhuận.

Cụ thể với dịch vụ quản lý tài sản kết hợp tư vấn tiêu dùng của mình, trong thời gian qua ANZ Việt Nam đã nhắm tới đối tượng khách hàng có thu nhập từ 8 triệu đồng/tháng trở lên để nhận quản lý tài sản và tư vấn đầu tư. Mặc dù chưa có số liệu thực tế về tầng lớp có thu nhập cao mới nổi nhưng, thu nhập bình quân tính trên đầu người tại Việt Nam trong vòng 10 năm qua đã tăng gấp 3 lần, lên trên 1.500 USD/người/năm. Vì thế, trong các năm tới sẽ có nhiều dư địa cho sự phát triển của dịch vụ quản lý tài sản cá nhân.

Tương tự, với gói dịch vụ HSBC Premier, ngân hàng của Anh này tập trung vào phân khúc những người giàu có tại các thành phố lớn. Họ lập luận rằng, phần nhiều những người thành đạt của Việt Nam rơi vào độ tuổi 35 - 50. Đối tượng này có 5 nhu cầu cốt lõi đối với việc quản lý và tư vấn đầu tư tài sản: đầu tiên là chọn giải pháp tiết kiệm đầu tư phù hợp để bảo vệ cuộc sống gia đình; kế đó là các nhu cầu liên quan đến tương lai của con cái, nhu cầu độc lập về tài chính khi về hưu và nhu cầu thiết lập quyền thừa kế tài sản… Với cách tiếp cận như thế, HSBC đưa ra gói dịch vụ quản lý tài sản và hoạch định tài chính cho khách hàng. Các nhân viên ngân hàng này chủ động gặp gỡ khách hàng để tìm ra nhu cầu, xác định mức độ chấp nhận rủi ro, năng lực tài chính… Cuối cùng, họ sẽ hoạch định tài chính phù hợp và tương ứng nhất với nhu cầu, mục tiêu ưu tiên, cho từng giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của khách hàng.

Về khả năng phát triển dịch vụ quản lý tài sản cá nhân của các ngân hàng trong nước, Giám đốc điều hành IDG ASEAN Lê Thanh Tâm cho rằng, mặc dù đây là dịch vụ có nhiều tiềm năng và dư địa lớn, nhưng trong những năm tới các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa thể phát huy hết được. Theo khảo sát của IDG ASEAN đối với 6 ngân hàng lớn trong nước thì có 2 rào cản khiến họ chưa thể phát triển mạnh dịch vụ này. Đó là niềm tin của khách hàng vào các ngân hàng nội địa không cao và tâm lý sợ phải công bố tài sản sở hữu. Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống quản lý các dịch vụ liên ngân hàng tại Việt Nam còn khá đơn giản. Ngay cùng một ngân hàng nhưng ở mỗi tỉnh/thành thì các phần mềm dịch vụ cũng khác nhau. Vì thế, nếu đưa vào áp dụng các dịch vụ quản lý tài sản trọn gói, ngân hàng đảm trách luôn cả những việc thanh toán hóa đơn mua bán hàng hóa, thanh toán tiền điện, nước, tiền thuế… của khách hàng thì không thực hiện được, hoặc có thể thực hiện được nhưng rất mất thời gian và chi phí.