Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2015
(Tài chính) Ngày 29/10, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã phát hành Báo cáo thường niên quan trọng Môi trường kinh doanh lần thứ 12 với chủ đề “Xa hơn, hiệu quả hơn”. Báo cáo được thực hiện nhằm đo lường mức độ thuận lợi trong kinh doanh của 189 quốc gia trên toàn thế giới. Báo cáo năm nay áp dụng những bộ chỉ số được mở rộng đáng kể và có những thay đổi trong cách tính xếp hạng.
Báo cáo Môi trường kinh doanh không đánh giá tất cả các lĩnh vực của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chẳng hạn như báo cáo này không đo lường mức độ an toàn, quy mô thị trường, tính ổn định kinh tế vĩ mô hoặc sự lan tràn của tệ nạn hối lộ và tham nhũng. Các phát hiện trong Báo cáo đã thúc đẩy quá trình thảo luận về chính sách trên toàn thế giới và tạo điều kiện cho việc tăng cường nghiên cứu về ảnh hưởng của các quy định ở cấp doanh nghiệp tới kết quả hoạt động chung của các nền kinh tế. Hàng năm, nhóm báo cáo nghiên cứu để cải thiện phương pháp luận đồng thời tăng cường thu thập, phân tích và cung cấp dữ liệu. Với mục đích chính là mang đến một cơ sở khách quan về hiểu biết và cải thiện môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp địa phương thuộc các nền kinh tế trên khắp thế giới.
Điểm mới của Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2015, đó là đưa ra ba thay đổi:
Thứ nhất, bổ sung thêm một thành phố đối với 11 nền kinh tế. Lần đầu tiên trong lịch sử phát hành, Báo cáo Môi trường kinh doanh bổ sung thêm một thành phố cho 11 nền kinh tế có số dân trên 100 triệu người. 11 nền kinh tế này gồm có Băng-la-đet, Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Mê-xi-cô, Ni-giê-ri-a, Pa-kit-tan, Liên bang Nga và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Việc bổ sung thêm một thành phố cho phép có sự so sánh trong một quốc gia và cơ sở đối chiếu với những thành phố lớn khác.
Thứ hai, mở rộng phạm vi của 3 trong số 10 chủ đề. Báo cáo năm nay mở rộng phạm vi của 3 bộ chỉ số: giải quyết tình trạng phá sản; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ và tiếp cận tín dụng. Chỉ số về giải quyết tình trạng phá sản nhằm đo thời gian, chi phí và kết quả của một quy trình giải quyết phá sản cho một công ty điển hình, cũng như tỷ lệ thu hồi nợ của các chủ nợ. Do vậy, những chỉ số này chủ yếu tập trung vào hiệu lực của hệ thống tòa án giải quyết việc phá sản. Trong báo cáo năm nay, những chỉ số này tiến xa hơn, đo lường một cách rõ ràng sức mạnh của khung pháp lý cho việc phá sản. Một chỉ số mới – chỉ số sức mạnh của khung pháp lý cho việc phá sản, đánh giá những thông lệ tốt theo Những nguyên tắc giải quyết phá sản hữu hiệu và cơ chế chủ nợ/đối tượng vay nợ của Ngân hàng Thế giới và Hướng dẫn xây dựng pháp luật phá sản của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc (UNCITRAL).
Năm nay, tên của bộ chỉ số về bảo vệ chủ đầu tư đã được thay đổi thành bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ để phản ánh đúng bản chất của chỉ số này. Phạm vi của chỉ số cũng đã được mở rộng thông qua một chỉ số mới được bổ sung – chỉ số phạm vi quản trị cổ đông.
Chỉ số tiếp cận tín dụng cũng được mở rộng để bao quát thêm những thông lệ tốt hơn. Chỉ số về sức mạnh của các quyền pháp lý được tăng từ 10 lên 12 điểm với những điểm mới được lựa chọn dựa trên nhiều cơ sở, trong đó có Hướng dẫn pháp lý về Giao dịch có bảo đảm của UNCITRAL. Chỉ số chiều sâu của thông tin tín dụng cũng được tăng từ 6 lên 8 điểm. Một trong số những điểm mới được tính cho các nền kinh tế có khả năng tiếp cận thông tin tín dụng thông qua một nền tảng trực tuyến hoặc thông qua hệ thống kết nối giữa các thể chế tài chính và nhà cung cấp dịch vụ báo cáo tín dụng. Theo kế hoạch trong tương lai của Báo cáo Môi trường kinh doanh, 5 bộ chỉ số nữa sẽ được mở rộng bao gồm: xin cấp phép xây dựng, kết nối điện, đăng ký tài sản, nộp thuế và thực thi hợp đồng.
Thứ ba, xếp loại tổng hợp dựa trên khoảng cách tới điểm tốt nhất. Xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi hiện nay cũng dựa trên khoảng cách tới điểm cao nhất. Cách đo này cho biết khoảng cách từ mỗi nền kinh tế tới các thông lệ tốt nhất trên thế giới về quy định kinh doanh. Điểm số cao cho thấy một môi trường kinh doanh hiệu quả và thể chế pháp lý mạnh mẽ hơn.
Cũng theo Báo cáo, mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh được xếp hạng từ 1 đến 189, với 1 là hạng cao nhất. Xếp hạng các nền kinh tế được xác định bằng cách sắp xếp khoảng cách tổng hợp của họ tới điểm cao nhất. Đối với 11 nền kinh tế được bổ sung một thành phố trong báo cáo năm nay, khoảng cách tới điểm cao nhất được tính bằng bình quân gia quyền số dân của khoảng cách tới các điểm cao nhất cho hai thành phố đó.
Những thay đổi trong phương pháp luận được áp dụng năm nay nhằm mục đích mở rộng việc sử dụng dữ liệu của các nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu. Bằng cách tập trung nhiều hơn vào chất lượng pháp lý, Báo cáo Môi trường kinh doanh sẽ mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới. Mục tiêu là giúp tăng hiểu biết về tầm quan trọng của chất lượng quy định kinh doanh và mối quan hệ của nó tới hiệu lực pháp lý và thành quả kinh tế. Bằng cách tiếp tục dựa vào dữ liệu và tăng cường công tác thu thập dữ liệu, nhóm lập báo cáo có thể phân tích sâu sắc hơn nữa môi trường pháp lý cho kinh doanh và tạo ra những kiến thức toàn diện hơn nữa với mỗi ấn phẩm mới.
Dữ liệu trong Báo cáo Môi trường kinh doanh hướng đến cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những so sánh thuộc một lĩnh vực rất quan trọng: môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh. Các dữ liệu nêu bật những nguyên nhân gây đình trệ và những điểm thiếu linh hoạt trong hệ thống pháp lý và quy định cho các doanh nghiệp, đồng thời chỉ ra những gì cần phải thay đổi khi thiết kế cải cách. Các nhà hoạch định chính sách có thể cũng hưởng lợi từ việc rà soát những kinh nghiệm của các nền kinh tế đã áp dụng những thông lệ quy định kinh doanh hiệu quả hơn và thực hiện tốt các chỉ số. Bằng cách mở rộng phạm vi đo lường, báo cáo Môi trường kinh doanh cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một bức tranh hoàn thiện hơn về môi trường kinh doanh cũng như những lĩnh vực mới để xem xét cho lịch trình cải cách của họ.