Ngân hàng thở phào, VAMC thở dài
(Tài chính) Một điều khiến các ngân hàng đang thở phào trong khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thở dài, là việc sửa đổi Thông tư 02 vừa được Ngân hàng Nhà nước hé mở hồi tuần trước.
Thông tư 02 sửa đổi, áp dụng từ ngày 1/6/2014 sẽ cởi bỏ cho các ngân hàng "vòng kim cô" trên đầu mà Thông tư 02 “gốc” đã đặt ra, thay đổi cơ chế chuyển nhóm của các khoản nợ. Điều này đồng nghĩa với việc sức ép bán nợ cho VAMC sẽ giảm đi rất nhiều bởi các ngân hàng có thêm thời gian trì hoãn việc tái cơ cấu nợ, giấu nợ xấu được lâu hơn. “Nguồn hàng” cho VAMC, vì thế sẽ giảm mạnh.
Ngay cả với nguồn hàng VAMC đã mua, việc bán nợ cho bên thứ ba không thể làm ngay. Một phần vì cơ chế cho việc bán nợ và các hành lang pháp lý cho một thị trường mua bán nợ tại Việt Nam chưa đầy đủ. Thứ hai là dấu hỏi về tính minh bạch của các khoản nợ. Một phó tổng giám đốc công ty chứng khoán tư vấn cho nhiều khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ rằng, năm 2013 khách hàng của họ đặt nhiều câu hỏi về việc mua nợ của VAMC như một khoản đầu tư “có hương vị” vào Việt Nam, nhưng sau khi tìm hiểu đều không dám quyết định. Bởi việc xác định đúng giá trị thật của khoản nợ, định giá mua bán là rất khó.
VAMC khó có thể bán nợ thấp hơn giá trị họ mua vào trong khi nhà đầu tư chỉ mua với giá dựa trên giá các khoản nợ và tài sản bảo đảm tại thời điểm hai bên ký hợp đồng mua bán. VAMC định giá theo cách nào, nhà đầu tư nước ngoài liệu có chấp nhận? Người nước ngoài có quyền định đoạt đến đâu trong việc chuyển nhượng, thay đổi trạng thái tài sản...
Thêm nữa, phương án mua nợ theo giá thị trường của VAMC sẽ thế nào trong khi việc mua nợ trên sổ sách chưa rõ đầu ra? Mua thêm khoảng 70.000-100.000 tỉ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt cũng như xử lý được các khoản nợ là áp lực rất lớn đặt lên vai VAMC.
Một điều chưa rõ với chính VAMC, là lộ trình tái cơ cấu ngân hàng. Bởi vì việc VAMC đo đếm nợ xấu ở các tổ chức tín dụng và phân bổ nợ để mua với từng ngân hàng phụ thuộc vào các bộ phận khác trong Ngân hàng Nhà nước. Theo cách làm hiện nay, từ mục tiêu mua nợ 70.000-100.000 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt, những người thực thi sẽ triển khai ngược lại, tính toán dung lượng nợ xấu trên thị trường nói chung, các tổ chức nói riêng và sau đó phân bổ số trái phiếu sẽ “đổi nợ” đến các tổ chức như thế nào. Việc phân bổ trái phiếu cho cả năm, ngoài việc dựa trên nhu cầu, đề xuất của tổ chức tín dụng còn phải dựa trên số liệu và sự phân bổ của cơ quan thanh tra và kịch bản tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó có tính đến việc hợp nhất, bán cổ phần chiến lược ở một số ngân hàng.
Để chia được miếng bánh trái phiếu đặc biệt này, cần tính toán được nợ xấu sẽ hình thành sau ngày 1/6/2014, ngày Thông tư 02 có hiệu lực. Nợ bao nhiêu thì kịch bản mua và xử lý nợ theo đó mà hình thành. Và để có phương án phát hành trái phiếu đặc biệt chi tiết như Nghị định 20 yêu cầu, VAMC phải phụ thuộc nhiều vào thanh tra Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng. Điều đó đặt ra câu hỏi về sự độc lập và quyền tự quyết của VAMC.