Ngân hàng tích cực tăng vốn

Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn

Nhiều ngân hàng (NH) không chỉ lên kế hoạch mà đã sớm tăng vốn ngay từ đầu năm. Điều này sẽ giúp các nhà băng cải thiện được nguồn vốn trung dài hạn, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng kế tiếp, nhất là trong tình hình nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Rốt ráo tăng vốn ngay từ đầu năm

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường của NH TMCP Quốc Dân (NCB) đã thông qua phương án phát hành 300 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000đ/CP để tăng vốn điều lệ từ 4.101 tỷ đồng lên 7.101 tỷ đồng. Theo đó, NCB sẽ phát hành 10 triệu cổ phần cho cán bộ, nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), 290 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, ngay trong quý I này. Đáng lưu ý là con trai của chủ tịch HĐQT NH này gần đây cũng đã đăng ký mua 8,2 triệu cổ phần. 

Tại ĐHCĐ hồi năm 2019, HĐQT NCB từng cho biết sẽ phấn đấu tăng vốn điều lệ đạt trên 10.000 tỷ đồng vào năm 2020, nhưng rốt cuộc năm 2019 chỉ tăng thêm được 1.000 tỷ đồng. Nếu phương án tăng vốn nói trên thành công, vốn điều lệ vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu 10.000 tỷ đồng, do đó việc gấp rút tăng vốn ngay từ đầu năm là cần thiết. Không loại trừ khả năng phần vốn còn lại phải tăng thêm sẽ được thực hiện thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, khi từ tháng 7/2019, NCB đã có những buổi làm việc với hai nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore.

Vào những ngày cuối tháng 2, NH TMCP Quân Đội (MBB) công bố thông tin đã phát hành riêng lẻ thành công hơn 64,3 triệu cổ phiếu cho khối ngoại với giá 27.000đ/CP, thu về 1.763 tỷ đồng. Các nhà đầu tư mua cổ phiếu riêng lẻ trong đợt phát hành này từng mua lại 21,4 triệu cổ phiếu quỹ của MBB trong tháng 1, chủ yếu gồm các quỹ đầu tư nước ngoài. Như vậy, các nhà đầu tư này mua đến 85,7 triệu cổ phiếu MBB từ phát hành riêng lẻ và cổ phiếu quỹ.

Từ đầu năm, NH TMCP Phương Đông (OCB) thông báo đã hoàn tất việc phát hành gần 130 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, giúp vốn điều lệ tăng từ gần 6.600 tỷ đồng lên gần 7.900 tỷ đồng. OCB cũng đã triển khai chào bán riêng lẻ hơn 118 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư, trong đó có một nhà đầu tư là NH Aozora đăng ký mua hơn 86,8 triệu cổ phiếu OCB. Theo thông tin cập nhật gần nhất, Aozora sẽ giải ngân 15 tỷ yên (khoảng 140 triệu USD) để sở hữu 15% cổ phần OCB, tương đương giá thị trường của OCB khoảng 1 tỷ USD.

Mới đây VPBank cho biết, chuyển đổi hình thức pháp lý của công ty con là FE Credit, từ công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần, nhằm mở đường cho việc bán vốn tại công ty con này, có thể giúp VPBank tăng thêm vốn để thực hiện kế hoạch kinh doanh trong những năm tới.

Động thái tăng vốn gấp rút không chỉ diễn ra ở nhóm NH TMCP tư nhân, mà xu hướng tương tự cũng xảy ra ở nhóm NH TMCP có vốn nhà nước chi phối. Cụ thể, Chính phủ sẽ tăng 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho Vietcombank và VietinBank ngay trong quý I/2020, trong khi đối với Agribank, toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ cho NH này.

Nâng cao nội lực tài chính

Dù yêu cầu đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II có hiệu lực từ đầu năm nay đã được một số NH tuân thủ và về đích trước thời hạn, trong đó có Vietcombank, MBB, OCB, VPBank, nhưng việc tăng thêm vốn chưa bao giờ là cũ. Để duy trì các tỷ lệ an toàn trong khi vẫn phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và mở rộng kinh doanh, nhiệm vụ tăng vốn luôn là ưu tiên số một của các NH. 

Để duy trì các tỷ lệ an toàn trong khi vẫn phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và mở rộng kinh doanh, nhiệm vụ tăng vốn luôn là ưu tiên số một của các NH.

Trong khi đó, đối với những NH chưa thể đáp ứng hoặc lỡ hẹn cam kết đề ra như Vietinbank hay NCB, yêu cầu tăng thêm vốn càng trở nên quan trọng để sớm đáp ứng hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II, vốn chặt chẽ và khắt khe hơn. 

Cần nhớ rằng, tăng trưởng tín dụng của Vietinbank trong hai năm qua bị “níu chân” bởi hệ số CAR đã cận kề ngưỡng quy định 9%, trong đó lý do chính là không tăng được vốn. Thậm chí vào quý IV/2018, Vietinbank đã phải giảm dư nợ tín dụng đến 26.000 tỷ đồng khi hệ số CAR đã chạm “đèn đỏ” từ tháng 9/2018.

Theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã “mở ngách” cho các đơn vị chưa thực hiện Thông tư 41/2016/TT-NHNN, vốn là nền tảng đầu tiên khi áp dụng Basel II. Theo đó, yêu cầu các NH này phải gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do chưa triển khai, đồng thời trình kế hoạch (giải pháp, lộ trình) để đảm bảo tuân thủ quy định chậm nhất từ ngày 1/1/2023. 

Thông tư 22/2019/TT-NHNN cũng đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, hướng tới còn 30% trong hai năm tới, do đó áp lực vốn trung dài hạn của các NH sẽ luôn ở mức cao. Vì vậy, các NH hoặc phải tiếp tục nâng lãi suất tiền gửi trung dài hạn, hoặc phát hành giấy tờ có giá kỳ hạn dài với lãi suất hấp dẫn để thu hút vốn trung dài hạn, nhưng cách nào cũng sẽ làm tăng chi phí vốn đầu vào. Thay vào đó, nếu có thể tăng vốn điều lệ không chỉ giúp giảm chi phí vốn mà còn có thêm nguồn vốn kinh doanh bền vững, đáp ứng các chỉ tiêu an toàn theo yêu cầu mới.