Ngân hàng và doanh nghiệp: Khi "cơm không lành…"

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Giữa lúc thị trường đang nóng lên với giải pháp cho vấn đề nợ xấu và phá băng thị trường bất động sản thì mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng bắt đầu bộc lộ những rạn nứt với việc kéo nhau ra tòa. Sự rạn nứt này cho thấy phần nào bức tranh rất thực của nền kinh tế, mà cụ thể là việc đòi nợ đầy gay cấn của ngân hàng trong lúc tình hình nợ xấu lên cao.

 Ngân hàng và doanh nghiệp: Khi "cơm không lành…"
Ngân hàng và doanh nghiệp bắt đầu bộc lộ những rạn nứt. Nguồn: Internet
Thị trường bất ngờ với vụ kiện hy hữu khi Công ty cổ phần Xây dựng Đô thị Sông Hồng (Xây dựng Sông Hồng) gửi thư cầu cứu khẩn cấp tới Ngân hàng Nhà nước và gửi đơn kiện đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) lên Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Xây dựng Sông Hồng kiện SHB ra tòa vì phong tỏa 22,7 tỷ đồng chủ đầu tư đã thanh toán cho họ. Còn SHB thì kiện Tổng Công ty Sông Hồng (Tổng Sông Hồng), công ty mẹ của Xây dựng Sông Hồng, do vi phạm thư bảo lãnh.

Cả hai cùng kiện

Nội dung của vụ kiện thực tế là cuộc tranh chấp có liên quan tới 3 pháp nhân là Xây dựng Sông Hồng, đơn vị thi công và đứng ra kiện SHB; Công ty Thép Sông Hồng (Thép Sông Hồng), bên vay vốn tại SHB và Tổng Sông Hồng, đơn vị đứng ra bảo lãnh vay vốn cho Thép Sông Hồng. Hai công ty trên đều là thành viên của Tổng Sông Hồng nhưng hoạt động độc lập.

Cụ thể, năm 2010, Xây dựng Sông Hồng thực hiện 1 gói thầu của dự án Bệnh viện Đa Khoa Bắc Ninh (Bệnh viện Bắc Ninh) theo hợp đồng kinh tế và hợp đồng giao việc với công ty mẹ là Tổng Sông Hồng (đóng vai trò nhà thầu chính).

Tháng 9/2012, các đơn vị công ty mẹ Sông Hồng, SHB (nơi mở tài khoản của công ty mẹ), Xây dựng Sông Hồng và Ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân, (nơi mở tài khoản và phát hành bảo lãnh cho Xây dựng Sông Hồng) đã ký kết biên bản thỏa thuận thống nhất về ủy quyền thanh toán giá trị và khối lượng hoàn thành. Đến tháng 4/2013, chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu khối lượng công việc đã hoàn thành với khoản tiền hơn 22,7 tỷ đồng, nhưng bị SHB phong tỏa.

Lý do phong tỏa được cho biết là do 1 doanh nghiệp thành viên khác của công mẹ là Thép Sông Hồng còn đang nợ tiền của SHB. Trong khi công ty mẹ và BIDV Thanh Xuân đề nghị thanh toán bởi khoản tiền này là của đơn vị thi công là Xây dựng Sông Hồng.

Phản hồi thông tin này, SHB cho biết việc tạm giữ số tiền trên là phù hợp, vì công ty mẹ chưa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khoản vay 100 tỷ đồng của Thép Sông Hồng, một công ty thành viên khác không liên quan tới Xây dựng Sông Hồng.

Cụ thể, ngày 4/4/2011, Tổng Sông Hồng ký thư bảo lãnh vay vốn cho Thép Sông Hồng vay 100 tỷ đồng tại SHB chi nhánh Hà Nội. Tuy nhiên, khoản vay trên đã quá hạn từ tháng 11/2011 và phía Thép Sông Hồng không có khả năng chi trả cả gốc và lãi. Do đó, ngày 5/4/2013, Chi nhánh SHB Hà Nội đã thực hiện tạm giữ số tiền trên 22,794 tỷ đồng trong tài khoản của Tổng Sông Hồng mở tại SHB nhằm yêu cầu Tổng Sông Hồng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

"Việc SHB tạm giữ số tiền thanh toán khối lượng thi công công trình Bệnh viện Bắc Ninh trên tài khoản của Tổng Sông Hồng là phù hợp bởi đó là số tiền xuất phát từ chủ thể hợp đồng là Tổng Sông Hồng. Số tiền trên 22,794 tỷ đồng không xuất phát từ chủ hợp đồng là Xây dựng Sông Hồng", SHB nhấn mạnh.

Bởi theo hợp đồng đã ký giữa Ban Quản lý Dự án công trình xây dựng Bắc Ninh với Liên danh Tổng Sông Hồng và Công ty cổ phần Công nghệ Quốc gia về việc thi công gói thầu số 8 Dự án xây dựng Công trình Bệnh viện Bắc Ninh thì Tổng Sông Hồng chính là Chủ hợp đồng kinh tế để thực hiện toàn bộ phần thi công xây lắp công trình.

Còn Xây dựng Sông Hồng chỉ là đơn vị thừa ủy quyền của Tổng Sông Hồng để xây dựng dự án chứ không phải là chủ thể chính của Hợp đồng. Và cũng theo hợp đồng kinh tế đã ký của các đơn vị này, Ban quản lý Dự án Công trình Xây dựng Bắc Ninh đã thanh toán số tiền trên cho Tổng Sông Hồng.

Sau khi phong tỏa số tiền trên, ngày 2/5, Chi nhánh SHB Hà Nội đã gửi hồ sơ kiện Tổng Sông Hồng do vi phạm Thư bảo lãnh tại Tòa án Nhân dân quận Tây Hồ và được Tòa thụ lý ngày 15/5/2013. Bởi theo SHB, ngân hàng này đã nhiều lần mời Tổng Sông Hồng đến làm việc để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo Thư bảo lãnh cũng như làm rõ chủ thể của số tiền 22,794 tỷ đồng thuộc về đơn vị nào nhưng Tổng Sông Hồng vẫn bất hợp tác, chây ỳ trả nợ.

Giảng hòa... vi quý

Có lẽ việc làm căng lên của hai bên đều không đem lại lợi ích gì, nên Tổng Sông Hồng và SHB đã có buổi làm việc với nhau. Tại đây, lãnh đạo Tổng Sông Hồng đã cam kết đưa ra các giải pháp thực hiện trách nhiệm bảo lãnh đối với khoản vay nợ tại Thép Sông Hồng.

Mặt khác, để tháo gỡ khó khăn cho Xây dựng Sông Hồng, công ty mẹ kiến nghị SHB giải tỏa số tiền 22,794 tỷ đồng đang được tạm giữ trên tài khoản của Tổng Sông Hồng chuyển cho công ty con là Xây dựng Sông Hồng. Trên cơ sở những cam kết đó, SHB đã giải tỏa số tiền này và chuyển cho Xây dựng Sông Hồng.

Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho biết trong những vụ việc ngân hàng phong tỏa tài khoản rồi thu hồi tiền của khách là họ đang cùng lúc đứng hai vai: Chủ nợ và ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán. Khi khách hàng có nợ quá hạn và có tiền, ngân hàng sử dụng lợi thế cung ứng dịch vụ thanh toán để phong tỏa tiền và sử dụng vai trò chủ nợ để thu hồi.

"Tuy nhiên, trong vụ việc này thì Thép Sông Hồng mới là bên vay vốn còn Xây dựng Sông Hồng không liên quan gì đến quan hệ tín dụng 3 bên trên. Dù là công ty con của Tổng Sông Hồng nhưng họ có pháp nhân độc lập với công ty mẹ và không có quan hệ nghĩa vụ cam kết tài chính với SHB", TS. Hiếu nhận định.

Sự tranh chấp giữa ngân hàng và doanh nghiệp xung quanh việc bảo lãnh thanh toán diễn ra không phải là lần đầu tiên. Trước đó, SeaBank cũng vướng phải tranh chấp với Công ty Vinaconex Viettel liên quan tới thư bảo lãnh 150 tỷ đồng cho Tập đoàn Vina MegaStar. Nhiều chuyên gia pháp chế cho rằng thời gian gần đây khi kinh tế khó khăn, những cuộc tranh chấp kiện tụng giữa các chủ thể kinh tế diễn ra ngày càng nhiều.