Ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng cao bất chấp dịch Covid-19

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Khối ngân hàng vẫn dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 10,2% trong năm 2020 này nhờ sự cải thiện của thu nhập dịch vụ và duy trì được thu nhập đầu tư chứng khoán.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thống kê về tình hình kinh doanh quý III và 3 quý năm 2020 của 21 ngân hàng niêm yết, FiinGroup đánh giá, khối ngân hàng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng rất tốt trong quý III/2020 với tổng thu nhập hoạt động tăng 10,8% và và lợi nhuận sau thuế tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tăng trưởng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng ở tất cả các mảng hoạt động chính, bao gồm thu nhập lãi thuần (tăng 9,4%), hoạt động dịch vụ (tăng 31,4%) và các hoạt động còn lại, bao gồm: mua bán ngoại tệ, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, góp vốn/mua cổ phần... (tăng 2,7%).

Trong đó, so với cuối quý II/2020, giá trị danh mục chứng khoán (đã trừ dự phòng) của 21 ngân hàng niêm yết tăng 9,9% lên mức 1,15 triệu tỷ đồng trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm xuống mức thấp kỷ lục. Điều này cho thấy xu hướng của các ngân hàng là tăng đầu tư vào chứng khoán trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, đặc biệt là chứng khoán có mức rủi ro cao hơn nhưng lãi suất cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp.

Điển hình 5 ngân hàng có thu nhập chứng khoán cao nhất trong 9 tháng là: BID (1.487 tỷ đồng), TCB (1.290 tỷ đồng), VPB (1.102 tỷ đồng), MBB (870 tỷ đồng), ACB (870 tỷ đồng). Xét về mức đóng góp, các ngân hàng có tỷ lệ thu nhập chứng khoán trên tổng thu nhập hoạt động (trừ chi phí dự phòng) cao là các ngân hàng nhỏ: VBB (48,3%), BVB (16,6%), NVB (18,4%). Đây là khoản thu nhập các ngân hàng ghi nhận khi bán bớt danh mục đầu tư và hiện thực hóa lợi nhuận.

Biên lãi ròng (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý II/2020 lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý I/2018 – giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.

Để có được mức NIM cao này, các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao, bình quân 9,2% từ mức 9% trong quý II/2020, trong khi đó lãi suất huy động giảm.

FiinGroup dự báo NIM của các ngân hàng trong quý IV vẫn sẽ ở mức cao do lãi 
suất huy động tiếp tục giảm.

Về tín dụng cá nhân ở một số ngân hàng có dấu hiệu hồi phục trở lại trong quý III/2020 đã góp phần vào việc tăng lợi nhuận, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng bán lẻ cao như VIB và MBB.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng so với thời điểm cuối năm 2019 và hai quý liền kề trước đó. Dữ liệu cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của 21 ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng tăng từ 1,74% cuối quý II/2020 lên 1,82% cuối quý III/2020, chủ yếu do gia tăng nợ nhóm 3 (tăng 30,5%) và nợ nhóm 4 (tăng 2,7%), trong khi nợ nhóm 5 (giảm 3,4%). Tỷ trọng nợ nhóm 3, 4, 5 cuối quý III lần lượt ở mức 31,8%, 19,6% và 48,6% so với tổng nợ xấu.

Yếu tố rủi ro đáng kể nhất đối với ngành ngân hàng là nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại. Sự đi xuống về lợi nhuận và năng lực trả lãi của các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các yếu tố bên ngoài như ngành dầu khí, giao thông và du lịch là phép thử lớn đối với ngành ngân hàng trong năm 2021 tới đây.

FiinGroup đánh giá, nếu không có Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn đáng kể. Tuy nhiên, nếu như Covid-19 tiếp tục duy trì được sự kiểm soát tại Việt Nam và cùng với đà hồi phục của các nhóm ngành bị ảnh hưởng thì đây chỉ là vấn đề tạm thời của ngành ngân hàng.

“Sự hồi phục và cải thiện từ các ngành khác và việc đa dạng hóa cơ cấu thu nhập nhất là từ dịch vụ sẽ góp phần để các ngân hàng lấp bù vấn đề nợ xấu từ các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này trong các quý tới năm 2021”, FiinGroup cho hay.