Ngân hàng vẫn tăng huy động ngoại tệ
Mặc dù lãi suất huy động USD đã đưa về 0%/năm và lãi suất các loại ngoại tệ khác (EUR, AUD, GPD, CAD…) cũng chỉ ở mức trên dưới 1%/năm, song các ngân hàng vẫn đẩy mạnh huy động ngoại tệ để kinh doanh.
Với chính sách kiểm soát chặt lãi suất huy động bằng USD từ cách đây gần 1 năm, tình hình huy động vốn đối với ngoại tệ này không còn sôi động như trước, cho dù nhiều người vẫn muốn gửi USD bởi kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tăng trở lại trong năm.
Chị Minh Nguyệt (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, chị mới chuyển một sổ tiết kiệm ngoại tệ sang VND để hưởng lãi suất 7,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, bởi chị chẳng được hưởng đồng lãi suất nào khi gửi bằng USD trong suốt gần 1 năm qua.
Tuy các dự báo đưa ra, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh lãi suất trong quý tới, song với khách hàng, tiền lãi trước mắt khi gửi VND vẫn hấp dẫn hơn.
Các nhà đầu tư đang chờ thông tin từ cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào hôm nay (21/9), nếu Fed quyết định tăng lãi suất, tỷ giá sẽ khó tránh tác động, song theo phân tích của Nhóm Tư vấn tiền tệ Eximbank, đồng USD đã tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trong phiên giao dịch cuối tuần qua, sau khi số liệu lạm phát của Mỹ cao hơn dự đoán, làm tăng khả năng Fed sẽ lùi thời gian tăng lãi suất của mình thêm một lần nữa.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 8/2016, tổng vốn huy động trên địa bàn Thành phố đạt 1.678,7 nghìn tỷ đồng, giảm 0,7% so tháng trước (tăng 2,7%), nhưng tăng 18% so với cùng kỳ 2015. Vốn huy động của các ngân hàng thương mại chiếm 54,7% tổng vốn huy động, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2015. Riêng vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 12,7% tổng vốn huy động, giảm 2%; vốn huy động VND chiếm 87,3%, tăng 21,6%. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm chiếm 53,7% tổng vốn huy động, tăng 14% so với cùng kỳ 2015.
Cũng theo số thống kê, tổng dư nợ tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh đạt 1.364,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước (tăng 3,5%) và tăng 10,5% so với cùng kỳ 2015. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại đạt 760,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng dư nợ và tăng 19,9% so với cùng kỳ 2015. Riêng dư nợ bằng ngoại tệ đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng dư nợ, giảm 17,6%; dư nợ bằng VND đạt 1.231,1 ngàn tỷ đồng, chiếm 90,2% tổng dư nợ và tăng 26,9%.
Thực tế cho thấy, tuy tín dụng USD đã được NHNN “mở cửa” trở lại từ ngày 1/6/2016 cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhưng do quy định về cho vay vẫn có sự chọn lọc, nên tín dụng ngoại tệ chưa thể tăng mạnh.
Trong khi đầu vào đã bị “bịt”, nhưng nhu cầu vốn ngoại tệ của doanh nghiệp luôn tồn tại, với lãi suất vay USD lên tới 4-5% năm, nên các ngân hàng vẫn đang cố gắng huy động vốn bằng USD, thậm chí có nhà băng còn “lách” quy định để huy động “vượt trần” (trên mức 0%/năm).
Theo một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, việc đưa lãi suất USD về 0%/năm để hạn chế tâm lý găm giữ và đầu cơ ngoại tệ là cần thiết. Tuy nhiên, NHNN phải mạnh tay hơn nữa trong việc siết đầu ra. NHNN nên thanh lọc kỹ hơn các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ và dần chuyển từ quan hệ vay-gửi sang quan hệ mua-bán thả nổi có kiểm soát, khi đó mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
Hiện tại, không chỉ có USD, các ngân hàng cũng tăng cường huy động các ngoại khác như EUR, AUD, GPD, CAD... Mức lãi suất của các loại ngoại tệ này được áp dụng dao động từ 0,5-1,5%/năm. Cụ thể, tại Eximbank, mức lãi suất huy động 0,1%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi 1-12 tháng được áp dụng đồng đều cho các loại ngoại tệ gồm EUR, AUD, GPD, CAD. Còn tại SCB, áp dụng lãi suất từ 0,5-0,8%/năm kỳ hạn 1-36 tháng cho EUR; 1,5%/năm kỳ hạn 1-36 tháng cho AUD; 0,1-1%/năm kỳ hạn 1-36 tháng áp dụng cho GPD và tương đương cho CAD.
Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, sở dĩ tổng huy động tiền gửi bằng ngoại tệ trên địa bàn Thành phố không giảm nhiều trong thời gian qua là do yếu tố huy động có lãi suất đối với các ngoại tệ khác nói trên, tức trong tổng vốn huy động ngoại tệ thì tiền gửi các ngoại tệ khác ngoài USD có dấu hiệu tăng.
Trong khi đó, theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), định hướng nhất quán của NHNN là chống đô-la hóa, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam. NHNN đã kiên trì thực hiện các giải pháp theo lộ trình gồm: từng bước thu hẹp hoạt động tín dụng ngoại tệ thông qua thu hẹp dần đối tượng được vay bằng ngoại tệ; giảm trần lãi suất tiền gửi bằng USD của tổ chức và cá nhân nhằm đảm bảo mức chênh lệch lãi suất hợp lý giữa USD và VND…, qua đó khuyến khích tổ chức và cá nhân bán USD cho ngân hàng, giảm tình trạng đô-la hóa và tăng cung ngoại tệ cho thị trường.