Ngân hàng vào cuộc đẩy lùi tín dụng đen
Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đang tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động cho vay nhỏ lẻ, góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi
Cần một cơ chế phù hợp để ngân hàng (NH) thương mại, công ty tài chính có thể mở rộng độ phủ, tiếp cận nhiều khách hàng thu nhập trung bình thấp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn, từ đó đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Tín dụng "thòng lọng"!
"Vay tiền từ đối tượng tín dụng đen không khác gì đeo thòng lọng vào cổ" - lãnh đạo một NH thương mại tại TP. Hồ Chí Minh ví von. Theo vị lãnh đạo này, người cần tiền thường nghĩ vay vài chục triệu đồng để kinh doanh trong vài ngày sẽ trả nên tiền lãi không nhiều. Nhưng chẳng may làm ăn không thuận lợi, người vay chưa kịp thanh toán, lãi mẹ đẻ lãi con khiến vốn và lãi tăng gấp nhiều lần, dẫn đến mất khả năng trả nợ. Khi đó, đối tượng cho vay thường đe dọa tính mạng, thuê xã hội đen đến tận nhà gây rối, xiết tài sản…
"Thời gian cho vay của tín dụng đen rất nhanh, khó có NH thương mại nào đáp ứng được. Với NH thương mại, dù khoản vay 10 triệu đồng hay 10 tỉ đồng, quy trình thủ tục, thẩm định và phê duyệt là như nhau. Chưa kể, NH không thể cho vay với người đang thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định" - phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận.
Để đẩy lùi tình trạng này, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có chính sách khuyến khích các NH thương mại mở rộng mạng lưới hoạt động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; Phát triển hệ thống lưu động của NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng; Tăng cường tín dụng tiêu dùng phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, vay vốn nhỏ, thời gian ngắn.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết Sacombank đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ cho vay trả góp, hạn chế tín dụng đen. Sacombank đã có chính sách cho vay thông qua thẻ tín dụng, hạn mức thẻ khoảng 10 triệu đồng cho người có thu nhập trung bình, phối hợp với ban quản lý chợ cho tiểu thương vay tiền tín chấp trả góp vốn và lãi hằng ngày…
Từ nhiều năm trước, một số NH thương mại ở TP. Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai cho vay tiểu thương - đối tượng khách hàng có thói quen vay tín dụng đen. Để phục vụ được phân khúc khách hàng này, các NH thương mại đã xây dựng sản phẩm tín dụng riêng phù hợp theo doanh thu thực tế của từng tiểu thương ở các chợ, sổ sách chi tiêu không ghi chép đầy đủ.
Thúc đẩy cho vay chính thức
Chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực phân tích tiêu dùng cá nhân hiện chiếm tới 66%-67% GDP và có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân rất lớn này, nếu tín dụng chính thức không phát triển thì tín dụng đen sẽ có chỗ để nở rộ. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay lãi suất "cắt cổ" cần phải cấm đoán và kiểm soát chặt chẽ.
Dự kiến, tại cuộc họp giữa NHNN với các tổ chức tín dụng sắp tới sẽ bàn giải pháp, tháo gỡ vướng mắc nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động cho vay, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen. Trong đó có việc NHNN tiếp tục và tăng cường sự phối hợp với Bộ Công an, các ban - ngành, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động NH, các quy định pháp luật về phòng chống tín dụng đen đến các tầng lớp nhân dân…
Để đẩy lùi tín dụng đen, ông Phan Đình Tuệ đề xuất NH thương mại cần mở rộng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa, đưa ra nhiều sản phẩm tài chính đơn giản, số tiền cho vay vài triệu đồng để người dân dễ dàng tiếp cận vốn. Mặt khác, các chủ doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể chính trị cần hỗ trợ cho NH nhiều hơn trong việc thu hồi nợ. "Khi cho công nhân các khu công nghiệp - khu chế xuất vay tín chấp, NH luôn mong muốn chủ doanh nghiệp bảo đảm việc thu hồi nợ được trích từ tài khoản chi trả lương của người vay. Có như thế, NH mới góp sức nhiều hơn nữa cho việc đẩy lùi tín dụng đen đang ngày đêm len lỏi vào đời sống công nhân" - ông Tuệ nói.
Lãnh đạo Agribank cũng cho hay đã đưa NH lưu động đến tận vùng sâu, vùng xa, triển khai hình thức cho vay qua tổ nhóm để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, đơn giản hóa các thủ tục để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn NH… "Chúng tôi đang nỗ lực đưa vốn đến những buôn làng xa xôi nhất bằng việc mở các phòng giao dịch hoặc xe cho vay lưu động. Nếu trước đây, người dân cần vay vốn phải tìm đến NH thì nay, chính NH đang mang vốn đến hỗ trợ từng người dân sản xuất - kinh doanh" - ông Nguyễn Dự, Giám đốc Agribank Gia Lai, cho biết.
Số liệu của NHNN cho thấy nhiều năm qua, cơ quan này đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành với tổng số khoảng 117 tỉ đồng. Trong đó đã xử lý 72 vụ việc, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ. NHNN cũng ban hành quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở các địa bàn này.
Trong khi đó, một số lãnh đạo NH thương mại nhận định người vay nặng lãi thường là những đối tượng dưới chuẩn, có thu nhập thấp hoặc thậm chí không có việc làm, thu nhập không ổn định. Do đó, để đẩy lùi tín dụng đen, cần có cơ chế đặc thù quy định về nợ xấu, nợ quá hạn, thủ tục thẩm định cho vay với nhóm đối tượng này… Tín dụng đen đã lan vào tận "hang cùng, ngõ hẻm" nên cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, ban - ngành liên quan chứ không chỉ NH thương mại, công ty tài chính là có thể đẩy lùi được tín dụng đen.