Ngân hàng vào cuộc đua phí 0 đồng
Ngày càng nhiều ngân hàng thương mại giảm phí dịch vụ, thậm chí miễn cho khách hàng trong cuộc đua giành thị phần, thu hút tiền gửi không kỳ hạn
Ngược với xu hướng tăng phí dịch vụ vốn bị khách hàng phản ứng mạnh trước đây, ngay cả ngân hàng (NH) thương mại lớn cũng nhập cuộc bằng chính sách miễn giảm phí.
Kích thích dùng dịch vụ
Từ đầu tháng 11/2019, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) triển khai chương trình ưu đãi áp dụng phí 0 đồng cho tất cả khách hàng giao dịch chuyển khoản liên NH trên VPBank Online 10 lần đầu trong tháng. Từ giao dịch thứ 11, nếu tài khoản của khách hàng có số dư bình quân tháng trước 10 triệu đồng trở lên cũng được hoàn 100% phí.
Sau đó, NH TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng thông báo miễn toàn bộ phí chuyển tiền online tới tất cả NH thương mại tại Việt Nam khi khách hàng giao dịch trên ứng dụng Internet Banking - TPBank eBank. Đồng thời, khi khách hàng dùng thẻ rút tiền tại các máy ATM trên toàn quốc (trừ một số NH nước ngoài như HSBC, Standard Chartered, NH liên doanh Việt - Nga), chủ thẻ TPBank cũng sẽ không tốn phí.
Tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), từ nay đến ngày 31/12/2019, trong chương trình khuyến mãi nhân dịp sinh nhật NH, khách hàng mở tài khoản thanh toán sẽ được ưu đãi, như 0 đồng phí dịch vụ, phí rút tiền, phí chuyển tiền. Đối với kênh NH điện tử, khách hàng sẽ được miễn phí chuyển khoản trong hệ thống và liên NH 24/7 cùng các loại phí dịch vụ Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking và Open Banking. Với khách hàng giao dịch tại quầy cũng sẽ được miễn các loại phí như phí duy trì số dư bình quân tối thiểu gói tài khoản tối ưu, quản lý tài khoản, chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, nộp và rút tiền mặt…
"Đua" miễn giảm phí dịch vụ, thậm chí áp dụng phí 0 đồng cũng được nhiều NH thương mại nhập cuộc thời gian qua từ Techcombank, VIB, Bản Việt… Theo các NH, chuyển tiền online và rút tiền từ thẻ ATM là 2 trong số những giao dịch được khách hàng sử dụng nhiều nhất trong giao dịch NH. Do đó, động thái giảm phí dịch vụ, thậm chí phí 0 đồng để lôi kéo khách hàng đến với NH, từ đó sử dụng thêm nhiều sản phẩm dịch vụ khác là dễ hiểu.
Đáng lưu ý, trong cuộc đua này đã có sự tham gia của cả "ông lớn" NH thương mại nhà nước. Tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chủ thẻ ghi nợ nội địa Vietcombank gồm thẻ Vietcombank Connect 24, thẻ đồng thương hiệu (ĐTH) Vietcombank AEON, thẻ ĐTH Co.opmart Vietcombank, thẻ liên kết sinh viên… sẽ được giảm phí giao dịch khi rút tiền mặt qua ATM ngoài hệ thống.
Mức phí áp dụng mới là 2.500 đồng/giao dịch, thay vì 3.000 đồng/giao dịch (chưa gồm thuế GTGT) như trước. Chính sách giảm phí áp dụng từ ngày 15/11/2019 đến hết năm 2020, theo đại diện Vietcombank, ưu đãi này nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ ATM.
Sẽ thành xu hướng, thu hút tiền gửi không kỳ hạn
Theo các chuyên gia, phí giao dịch là một trong những yếu tố được khách hàng quan tâm khi sử dụng dịch vụ NH. Do đó, thay vì tăng phí và gặp phản ứng từ khách hàng như trước, nhiều NH đã chuyển hướng sang miễn giảm phí nhằm kích thích nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ và nhất là thanh toán trong xu hướng bùng nổ kênh thanh toán không dùng tiền mặt.
NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) sau khi tiên phong áp dụng chính sách phí 0 đồng "Zero fee" cho tất cả giao dịch trực tuyến qua F@st I-bank và F@st mobile, đã đem lại hiệu quả. Tỉ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng huy động vốn của Techcombank trong 9 tháng đầu năm tăng 13%, cao hơn đáng kể mức tăng trưởng huy động 8,6% trước đó.
Từ đó giúp tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng huy động của Techcombank đạt tới 30%, đem lại nguồn vốn đầu vào với chi phí thấp; lượng khách hàng sử dụng dịch vụ NH trực tuyến của NH này cũng tăng mạnh.
Lãnh đạo một số NH phân tích tiền gửi không kỳ hạn hiện có lãi suất phổ biến từ 0,1%-1%/năm, thấp hơn nhiều so với huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng khoảng 4,5%-5%/năm. Miễn phí nhưng đổi lại, khách hàng duy trì số dư tiền gửi không kỳ hạn nhiều hơn sẽ hỗ trợ thanh khoản của NH tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ngày càng giảm theo yêu cầu của NH Nhà nước.
Xu hướng chạy đua miễn giảm phí xuất hiện gần đây đang lấn át, tạo sức ép cạnh tranh buộc các NH thương mại khác phải tham gia. Đặc biệt, trong bối cảnh phần lớn các ví điện tử đang áp dụng chính sách miễn giảm phí khi chuyển tiền, rút tiền, giao dịch… cạnh tranh đáng kể với NH thương mại.
Theo các chuyên gia, NH cũng không hẳn giảm doanh thu trong cuộc đua này, bởi miễn phí nhưng NH sẽ được nhiều hơn. TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính NH, phân tích cạnh tranh bằng cách miễn giảm phí, thậm chí phí 0 đồng là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhiều kênh thanh toán không tiền mặt, nhiều dịch vụ trung gian thanh toán đang cạnh tranh trực tiếp với các NH.
Chuyên gia tài chính, TS. Huỳnh Trung Minh cho rằng cuộc đua phí 0 đồng thực ra NH cũng được lợi nhiều từ số dư tiền gửi không kỳ hạn trong tài khoản thanh toán của khách hàng. Thu hút khách hàng mở tài khoản thanh toán, NH sẽ có cơ sở dữ liệu lớn, từ đó thống kê hành vi của khách hàng để bán chéo sản phẩm dịch vụ, bảo hiểm hoặc cho vay…
Một trong những cái được của cuộc đua phí 0 đồng giữa các NH thương mại là sẽ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí giao dịch, từ đó kích thích sử dụng các kênh thanh toán không tiền mặt”.
TS. Huỳnh Trung Minh