Giá vàng biến động mạnh: Cẩn trọng không thừa


Thị trường vàng đang có những biến động khó lường trước những diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu và nỗi lo dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng lan rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, sự nóng vội của các nhà đầu tư và của người dân có thể sẽ gây ra các thiệt hại cho bản thân và cho nền kinh tế.

Việc người dân nóng vội mua vàng có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Việc người dân nóng vội mua vàng có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Hôm qua 24/2, giá vàng “nhảy múa” chóng mặt khi liên tiếp lập đỉnh, thời điểm cao nhất lên gần 50 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giao dịch tại Công ty TNHH Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho thấy, giá vàng tăng theo từng phút. Tại thời điểm 15 giờ  41, giá vàng rồng Thăng Long giao dịch ở mức 48,09 - 49,39 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Trước đó 10 phút, giá vàng được công ty này niêm yết lần lượt là 47,74  -49,04 triệu đồng/lượng. So với thời điểm 9 giờ, giá vàng vọt lên lần lượt là 1,95 - 2,6 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, một xu hướng trái chiều dường như lại đang diễn ra chỉ một ngày sau đó. Theo khảo sát của Vnexpress.net, mở cửa phiên giao dịch sáng 25/2, hầu hết doanh nghiệp trong nước đều đã giảm mạnh giá mua bán vàng miếng so với đỉnh cao hôm qua. Lúc 11h20, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng còn quanh 46,5-47,5 triệu đồng, giảm 1,5 triệu đồng so với đỉnh cao đạt được trong ngày 24/2.

Thậm chí, giá mua bán vàng tại Tập đoàn DOJI ngày hôm nay còn giảm mạnh hơn khi mức bán ra còn 47,1 triệu đồng lúc 11h30, giảm gần 2,1 triệu đồng so với đỉnh cao 49,3 triệu ghi nhận hôm qua. Giá mua vào cũng về sát 46,45 triệu đồng, mất 750.000 đồng một lượng. Hơn 2 tiếng sau, họ giảm thêm 800.000 đồng, đưa giá về sát 46,3 triệu đồng. Diễn biến trái ngược này cũng đồng nghĩa, nếu trót mua vàng đúng giá đỉnh trong ngày hôm qua, giờ bán vàng ra bị lỗ lên đến gần 3,5 triệu đồng một lượng (mua đỉnh 49,3 triệu giờ và bán ra mức 45,85 triệu).

Thời gian qua, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cũng như giới phân tích đều dự báo xu hướng tăng của giá vàng thế giới, đặc biệt trong 1-2 tháng tới, dưới tác động của dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư tiếp tục mua vàng để dự trữ. Một số dự báo cho thấy, giá vàng thế giới tăng thời gian qua và có thể vượt ngưỡng 1.700 -1.800 USD/ounce. Thậm chí, nếu trong tháng 3 tới, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì khả năng giá vàng vẫn tiếp tục tăng.

Trước tình trạng đó, các chuyên gia khuyến cáo, diễn biến giá vàng hiện rất khó lường nên cả phía nhà quản lý cùng nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, tránh tái diễn bài học giai đoạn 2006-2012 khi có tới 95% nhà đầu tư chịu cảnh thua lỗ do “ôm vàng”.

Một nỗi lo khác cũng được đề cập khi giá vàng tăng vọt sẽ khiến nhiều doanh nghiệp, người dân có xu hướng mua vàng đầu cơ. Đây thực sự là rủi ro đối với nền kinh tế bởi lẽ, bài học giai đoạn 2006-2012 ch0 thấy, trước khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng được ban hành nhằm giảm đầu cơ vàng, phần lớn nhà đầu tư cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên đều thua lỗ nặng.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, việc nhập khẩu vàng hiện thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước và một số đơn vị được ủy quyền. Bối cảnh giá vàng liên tục tăng dễ khiến cầu vượt cung, trong khi nguồn cung có hạn. Việc giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới thì “nhiều khả năng tạo nguy cơ là nhà đầu tư lớn nhập lậu vàng để bán kiếm lời”. Do vậy, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự an tâm cho người dân cũng như tránh hiện tượng đổ xô mua vàng “lướt sóng” kiếm lời. Ngoài ra, để thị trường vàng đi vào ổn định và ít tác động khi giá thế giới "nổi sóng", cơ quan chức năng nên từng bước nghiên cứu và đẩy mạnh giao dịch vàng qua tài khoản, không nên đuổi theo vàng vật chất... 

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc đổ tiền vào vàng phải hết sức cẩn trọng. Ngoài việc bám sát diễn biến của dịch bệnh trên toàn cầu, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao thị trường vàng thế giới và trong nước để có quyết định hợp lý. Đồng thời, phải thực hiện kỷ luật đầu tư tài chính một cách nghiêm túc như không nên đổ “tất cả trứng vào một giỏ”, tránh việc vay tiền ngân hàng để đầu tư vàng...

Thời gian qua, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cũng như giới phân tích đều dự báo xu hướng tăng của giá vàng thế giới, đặc biệt trong 1-2 tháng tới, dưới tác động của dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư tiếp tục mua vàng để dự trữ. Một số dự báo cho thấy, giá vàng thế giới tăng thời gian qua và có thể vượt ngưỡng 1.700 -1.800 USD/ounce. Thậm chí, nếu trong tháng 3 tới, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì khả năng giá vàng vẫn tiếp tục tăng.