Tỉnh Bình Dương:

Ngành Ngân hàng thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt

Theo Thanh Hồng/Báo Bình Dương

Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng Bình Dương luôn bảo đảm hoạt động của hệ thống an toàn, thông suốt và hiệu quả trong mọi tình huống. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chi nhánh Bình Dương xung quanh hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn.

Kiểm đếm tiền tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương. Ảnh: Thanh Hồng
Kiểm đếm tiền tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương. Ảnh: Thanh Hồng

Phóng viên: Hoạt động của ngành ngân hàng trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Ông Võ Đình Phong: Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, NHNN chi nhánh Bình Dương và các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, chủ động theo dõi nắm bắt tình hình, xây dựng phương án đối phó trong từng tình huống cụ thể, nhằm chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong cộng đồng. Trong đó, chúng tôi đã xây dựng phương án, kịch bản nếu không may trong trường hợp có nhân sự bị cách ly, đặc biệt là nhân sự thay thế cho bộ phận đặc thù (thanh toán, kế toán, ngân quỹ, tin học) bảo đảm hoạt động của chi nhánh không bị ảnh hưởng.

Về phía các TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh yêu cầu bố trí lượng cán bộ luân phiên làm việc tại trụ sở bảo đảm duy trì hoạt động cung ứng tiền mặt và hệ thống thanh toán trong nền kinh tế, đáp ứng đầy đủ cho lưu thông, nhất là những nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp, người dân như gửi tiền, rút tiền, thanh toán chuyển tiền, các hoạt động dịch vụ ngân hàng trực tuyến online, ATM… Nhìn chung, các TCTD thực hiện nghiêm việc khử trùng, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy giao dịch tự động (ATM).

Một số TCTD đã triển khai “3 tại chỗ” cho các đơn vị tại khu vực có diễn biến dịch phức tạp, bảo đảm an toàn, tuân thủ quy định cũng như bố trí chu đáo cho cán bộ nhân viên khi thực hiện. Một số TCTD trên địa bàn còn tổ chức test nhanh tại chỗ cho khách hàng khi đến giao dịch… Tất cả nhằm bảo đảm cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt.

Phóng viên: Những biện pháp phòng chống, kiểm soát trên tiền mặt được thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Võ Đình Phong: Như đã nói, tại trụ sở NHNN tỉnh chúng tôi đã trang bị máy kiểm tra thân nhiệt cho cán bộ, người lao động và khách đến giao dịch, công tác trước khi vào cơ quan, đồng thời bố trí chu đáo nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, găng tay và bảo hộ lao động… cho nhân viên tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt.

Cùng với đó, thực hiện khử trùng, sát khuẩn thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt và kho quỹ. Mặt khác, để đề phòng dịch bệnh, các loại tiền cũ khi các TCTD, Kho bạc Nhà nước nộp về NHNN chi nhánh tỉnh đều được phun, xịt khử khuẩn (bó, bao), chiếu đèn cực tím và được lưu giữ một thời gian nhất định trước khi chi ra cho khách hàng lưu hành trên thị trường.

Phóng viên: Nhu cầu thanh toán trên địa bàn tỉnh có được đáp ứng kịp thời không, thưa ông?

Ông Võ Đình Phong: NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương hiện tại có 2 hệ thống thanh toán, gồm hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống thanh toán từng lần (chứng từ giấy). Trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế vẫn diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. NHNN đã xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Theo đó, nhiều công nghệ mới, hiện đại như thanh toán trên thiết bị di động, áp dụng xác thực vân tay, sinh trắc, sử dụng mã phản hồi nhanh được phổ cập. Đồng thời, thanh toán ngân hàng được đẩy mạnh đối với các dịch vụ công, góp phần không nhỏ trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.

Một tín hiệu tích cực là các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán vẫn tiếp tục được NHNN và các TCTD triển khai nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc ứng dụng nền tảng công nghệ số của các TCTD trong bối cảnh giãn cách?

Ông Võ Đình Phong: NHNN chi nhánh tỉnh đã triển khai đến các TCTD trên địa bàn chủ trương chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) thông qua kế hoạch, chương trình hành động của ngành ngân hàng năm 2021.

Chúng tôi cũng có công văn chỉ đạo các TCTD triển khai các quy định liên quan đến việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC), chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi, phát triển ngân hàng số và phát triển thanh toán thẻ nội địa, đồng thời theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa, tăng cường kiểm soát an ninh hoạt động thanh toán, rà soát hệ thống máy giao dịch tự động và các thiết bị chấp nhận thẻ, phối hợp với cơ quan công an trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao, thường xuyên cảnh báo khách hàng các rủi ro trong hoạt động TTKDTM…

Qua đó, hoạt động TTKDTM đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng tiền mặt trong người dân. Từ đó, đã bảo đảm phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng trong suốt thời gian giãn cách đến nay.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!