Mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt góp phần phòng chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Theo Nguyễn Đức Lệnh/thitruongtaichinhtiente.vn

Dưới góc độ quản lý, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp là một trong những giải pháp hữu hiệu để đạt “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, nhờ hạn chế tiếp xúc, vừa là cơ hội để các ngân hàng thương mại mở rộng và tăng trưởng hoạt động dịch vụ ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực tiễn trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang tăng trưởng tích cực. Nhu cầu thanh toán dịch vụ của người dân và doanh nghiệp được đáp ứng thông suốt. Mọi  hoạt động thanh toán hàng hoá thiết yếu, chuyển tiền, thanh toán giao dịch mua bán… dù hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp vẫn thực hiện bình thường khiến người dân cũng như doanh nghiệp hết sức yên tâm và tin tưởng.

Ở góc độ của công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh, với mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng đã đóng góp giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Từ những kết quả thấy được đó đòi hỏi các ngân hàng thương mại cần  tập trung đầu tư, phát triển mở rộng hình thức thanh toán này.

Theo đó một số nội dung cần được tiếp tục chú trọng thời gian tới là:

Thứ nhất, khai thác và sử dụng hiệu quả dịch vụ ATM, đảm bảo hệ thống mạng lưới máy ATM hoạt động thông suốt trong điều kiện đại dịch; làm tốt công tác chăm sóc khách hàng; công tác bảo mật, vận hành và xử lý sự cố; công tác phòng chống dịch tại các buồng ATM; đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân về dịch vụ này trong điều kiện giãn cách xã hội. 

Với hệ thống mạng lưới máy ATM trên địa bàn khoảng 4.000 máy, cùng với hơn 88.000 máy POS được đặt tại các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng trên tất cả các địa bàn quận, huyện của thành phố (trên 55.000 đơn vị chấp nhận thanh toán), là cơ sở hạ tầng tốt để tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả dịch vụ ATM theo xu hướng mở rộng việc sử dụng thẻ ATM để thanh toán qua POS và sử dụng dịch vụ tài khoản ATM để tăng trưởng và phát triển các dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Thứ hai, mở rộng và phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử, gắn với nhu cầu phát triển của thương mại điện tử trong điều kiện đại dịch. Với tốc độ tăng trưởng của các hoạt động thương mại điện tử, khoảng 30-35%, cùng với nhu cầu mua bán trên các trang thương mại điện tử của người dân thành phố ngày càng phổ biến hơn, ngành vận chuyển hàng hóa và phương tiện giao thông công nghệ phát triển… tiếp tục là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại mở rộng và phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử: internet banking; mobile banking; ví điện tử; quét mã QR code…

Hiện tốc độ tăng trưởng của dịch vụ ngân hàng điện tử trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh duy trì ở mức tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước và đạt mức bình quân trên 30% trong 6 tháng đầu năm 2021; với số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tăng 36,6% so với cuối năm 2021.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính và thúc đẩy mở rộng thanh toán dịch vụ công trực tuyến.

Thời gian qua, các hoạt động dịch vụ thanh toán trong lĩnh vực y tế, giáo dục, điện, nước, điện thoại…tiếp tục được sử dụng ngày càng phổ biến, nhất là trong điều kiện giãn cách, phải thực hiện nhiều hoạt động trực tuyến. Đơn cử như thanh toán tiền điện qua ngân hàng, người sử dụng có thể thực hiện nhờ bất cứ hình thức thanh toán nào (internet banking; mobile banking; ví điện tử, quét mã QR code; thu hộ…) để chi trả cho công ty điện lực thành phố mọi lúc, mọi nơi nhờ. Nhờ chất lượng cung cấp dịch vụ của ngân hàng thương mại và sự phối hợp ăn ý với ngành điện mà dịch vụ thanh toán được người dân hồ hởi đón nhận và đánh giá cao.

Với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân ngày càng tăng, đặt trong bối cảnh hiện tại, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là yêu cầu đối với ngành Ngân hàng để góp phần hiệu quả vào công tác phòng chống dịch, mà còn là cơ hội để các ngân hàng có động lực để đổi mới, mở rộng phát triển dịch vụ.

Nếu trước đây, thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư là nguyên nhân hạn chế việc mở rộng và phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thì trong bối cảnh mới với nhiều những thay đổi về phương thức mua bán, vận chuyển hàng hóa và hoạt động kinh doanh trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ là điều kiện, nền tảng thuận lợi cho sự phát triển bùng nổ của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và xóa bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư.