Nới room tín dụng: Không cần chờ đến quý IV?

PV.

Bối cảnh kinh tế nửa cuối năm 2022 có những tín hiệu thay đổi khởi sắc hơn so với thời điểm đầu năm, do vậy, áp lực lạm phát của nền kinh tế cũng đã có sự thuyên giảm. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nhanh chóng nghiên cứu việc nới room tín dụng trước quý IV giúp kinh tế tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nới room tín dụng sớm hơn thay vì chờ đến quý IV?

Nhận định về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, NHNN phải tính toán dòng vốn FDI và vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm để dự báo lạm phát, qua đó, có thể bắt đầu cân nhắc về việc nới room tín dụng sớm hơn thay vì chờ đến quý IV. Phân tích cụ thể, TS. Cấn Văn Lực thông tin, hiện nay hai thị trường vốn lớn cho các doanh nghiệp là tín dụng và phát hành trái phiếu đều đang bị ách tắc.

Thứ nhất, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tổng giá trị TPDN đến hạn thanh toán năm nay là 144.000 tỷ đồng, năm 2023 là 230.000 tỷ đồng, năm 2024 là khoảng 260.000 tỷ đồng. TS. Cấn Văn Lực cảnh báo, nếu không phát hành trái phiếu thì doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu và gây nhiều hệ lụy đối với thị trường TPDN. Điển hình như Trung Quốc hiện nay tốn rất nhiều chi phí để xử lý vỡ nợ trái phiếu, quan trọng hơn là các nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào thị trường này.

Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ ban hành Nghị định số 153 sửa đổi chào bán giao dịch TPDN riêng lẻ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp sẽ có cơ sở pháp lý để phát hành TPDN. Trong bối cảnh các ngân hàng bị chặn hạn mức tín dụng thì các doanh nghiệp phải dời sang kênh trái phiếu. TS. Cấn Văn Lực cũng nhắc lại quan điểm của Chính phủ là những vụ việc vi phạm pháp luật thì cần xử lý nghiêm còn nhưng doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định pháp luật thì cần tạo điều kiện để phát triển.

Thứ hai, đối với thị trường tín dụng, TS. Cấn Văn Lực nhận định rằng, NHNN còn đang băn khoăn về vấn đề lạm phát và thanh khoản. Tỷ lệ lạm phát năm 2022 tăng nguyên do chủ yếu là chi phí đẩy, cung tiền không nhiều nên không quá lo ngại. Nhưng vấn đề thanh khoản lại rất cần chú tâm.

Nguồn tiền gửi ngân hàng được TS. Cấn Văn Lực chỉ ra trong năm nay là khá thấp, huy động vốn chỉ tăng dưới 5% trong khi tín dụng tăng 9,35%. Tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân một phần tiền không đi vào các kênh đầu cơ hay gửi tiết kiệm mà đi vào sản xuất kinh doanh. Đây là một tín hiệu tích cực với nền kinh tế tuy nhiên lại làm mất cân đối cung – cầu của các ngân hàng. Do đó, NHNN có thể cân nhắc việc nâng mức tăng trưởng tín dụng lên một chút so với 14%.

Nới room ngay để “chờ” độ trễ của chính sách

Đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, TS.Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, do áp lực lạm phát đã giảm nhờ giá xăng dầu đã hạ nhiệt, nên NHNN có thể nên nới “room” ngay bây giờ vì tác động của chính sách thường có độ trễ, sau khi nới “room” thì quá trình tác động của nó đến nền kinh tế cũng phải qua vài tháng.

Chuyên gia này thông tin thêm: "Sau khi thêm “room”, các ngân hàng cũng phải có khoảng thời gian triển khai cho vay. Doanh nghiệp vay được vốn cũng phải qua một giai đoạn sản xuất kinh doanh thì mới có đầu ra sản phẩm… Do đó, việc nới “room” ngay bây giờ thì cũng phải khoảng tới quý IV thì những tác động của chính sách mới được thể hiện rõ ràng”.

Việc điều hành chính sách tiền tệ bằng “room” cũng có nhiều vấn đề còn tranh cãi, đặc biệt là nó mang tính chất hành chính, chủ quan, không có tiêu chí rõ ràng cho việc ngân hàng này được cấp nhiều “room” hoặc cấp ít. Do đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Hùng cho rằng, cần hướng tới việc thực thi chính sách tiền tệ thông qua các công cụ thị trường hơn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, việc xác định tăng trưởng tín dụng cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật. Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh, đối với tăng trưởng tín dụng, thời gian tới NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.