Chuyển kỳ vọng nới “room” tín dụng sang quý III
Đã sắp hết quý II/2022 và không như kỳ vọng trước đó của nhiều tổ chức, khả năng Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức (room) tín dụng ngay quý này khó xảy ra.
Không thể “ngó lơ” áp lực lạm phát
Áp lực lạm phát đang khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thận trọng đối với điều tiết cung tiền ra thị trường. Một chính sách mở rộng tiền tệ vào thời điểm hiện nay chắc chắn là bất khả mặc dù NHNN vẫn đang phải đảm đương thêm nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm, bên cạnh mục tiêu ưu tiên là ổn định lạm phát.
CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng “áp lực lạm phát đang còn rất lớn ở thời gian gắn với tình trạng giá nguyên liệu tăng trên toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng và cầu tiêu dùng trong nước hồi phục. Đây cũng là chỉ tiêu được theo dõi bởi các nhà hoạch định, NHNN”.
Trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã tăng rất mạnh gần gấp đôi cùng kỳ năm trước, mặt tích cực là phản ánh tốc độ phục hồi nhanh của nền kinh tế, một phần nào đó có mặt tiêu cực là khối lượng cung ứng tín dụng sẵn có cho đầu tư khá lớn, đặc biệt nếu không kiểm soát vào các lĩnh vực đầu tư rủi ro có thể kích hoạt bong bóng và hơn thế tiếp sức cho lạm phát có thể xảy đến nhanh hơn, ngoài mục tiêu đặt ra.
Theo số liệu từ NHNN, tổng tín dụng đã tăng khả quan lên 8,15% vào đầu tháng 6 và tăng 17,09% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm, tổng tín dụng đã tăng trung bình 1,5%/tháng so với tốc độ trung bình khoảng 1,0%/tháng cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, khi các ngân hàng phản ánh đã đẩy dư nợ cho vay đáp ứng nhu cầu vốn mạnh mẽ và nhiều tổ chức cận, thậm chí cạn hạn mức (room) tín dụng, nhiều TCTD đã đề xuất nới "room” nhưng NHNN khẳng định có thể có một vài tổ chức vậy song chưa hẳn. “NHNN vẫn đang điều hành tín dụng ổn định theo mục tiêu ưu tiên là kiềm chế lạm phát và đáp ứng vốn, hỗ trợ kinh tế phục hồi. Chỉ tiêu tín dụng đã được giao từ đầu năm và đây là cơ hội để các tổ chức cơ cấu lại dư nợ theo hướng hiệu quả, an toàn hơn”, Phó Thống đốc NHNN cho biết.
Liệu sẽ có đợt nới "room" sớm vào quý III?
“Vốn không thiếu nhưng tiếp cận như thế nào mới là vấn đề. Tăng trưởng tín dụng cao (gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước), cho thấy các thành phần trong nền kinh tế vẫn đang tiếp cận được vốn”, một đại diện của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói thêm với DĐDN.
Việc NHNN giữ nguyên lập trường điều hành chính sách, ưu tiên ổn định, cũng theo vị này không có nghĩa đóng cứng, không tùy biến. Bản thân Lãnh đạo NHNN cũng nêu thông điệp hết sức rõ ràng là NHNN sẽ linh hoạt tùy theo các biến số vĩ mô để điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng toàn ngành cao hơn mức 14%, có thể lên 15-16% hoặc thấp hơn chỉ còn 12-13%. Khi nào điều chỉnh thì chưa thể nói trước.
Các chuyên gia cho rằng với biến động khó lường như hiện tại, không ai có thể nói trước lạm phát sẽ ra sao, do đó NHNN có lý khi giữ vững lập trường ổn định chính sách tiền tệ, ít nhất thêm một thời gian để các xu hướng chi phối điều hành trở nên rõ ràng và các dự báo có tính sát gần hơn.
“Tùy biến” theo tình hình này, nhiều Công ty Chứng khoán đã dời kỳ vọng dự báo NHNN sẽ nới "room" tín dụng từ cuối quý II sang quý III.
Theo báo cáo của SSI Research, NHNN nhấn mạnh sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý hơn (có thể vào cuối quý III/2022 - theo kỳ vọng của SSI Research) và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.
CTCK Agriseco cũng nhận định tăng trưởng tín dụng kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục mạnh mẽ và đạt mục tiêu đầu năm khoảng 14%. “Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tích cực khi nền kinh tế đang dần hồi phục, đặc biệt gói hỗ trợ lãi suất 2% vừa được ban hành sẽ góp phần kích thích mạnh mẽ đà tăng trưởng. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh có thể hưởng lợi hơn khi có tỷ trọng các nhóm ngành được hỗ trợ cao hơn.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có đợt nới "room" tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý trong thời gian tới cho các NHTM. Các ngân hàng có hệ số an toàn vốn CAR cao, chất lượng tài sản tốt và hệ số LDR còn nhiều dư địa tăng trưởng sẽ có thể được nới hạn mức cao hơn. Thêm vào đó, các ngân hàng tham gia nhận chuyển giao tổ chức tín dụng bắt buộc như MBB và VCB cũng có thể được ưu tiên hơn trong việc nới "room" tín dụng”, Agriseco đánh giá.
Trở lại với báo cáo tháng 6 của CTCK Rồng Việt, Khối phân tích VDSC cũng cho rằng đối với thông tin về hạn mức tăng trưởng tín dụng của các NHNN, dữ liệu thị trường cho thấy có tương quan giữa diễn biến thị trường và tăng trưởng cung tiền - tín dụng của nền kinh tế. Thông thường độ trễ sẽ là 3 tháng và đây sẽ là thông tin tích cực.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thêm, đối với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nhanh nền kinh tế, vốn có nhiều nguồn và cơ quan quản lý luôn tạo điều kiện để làm sao khôi phục, hỗ trợ tích cực nhất. Vốn cho nền kinh tế nói chung có nhiều nguồn. Bên cạnh chính sách giãn, hoãn, hỗ trợ thuế, là giãn hoãn cơ cấu lại nợ và cấp bù lãi suất. Vốn tín dụng ngân hàng là quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn nhưng bên cạnh đó, còn có nguồn vốn cổ phiếu, trái phiếu, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp, gián tiếp…
“Trong bối cảnh hiện nay và như nhiều năm qua, ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn quan trọng. Lũy kế đến hiện nay, tổng dư nợ toàn ngành là trên 12 triệu tỷ đồng. Nếu tăng trưởng tín dụng 14% thì ngân hàng sẽ cung ứng thêm 1,4 triệu tỷ đồng. Dòng tiền này sẽ phân bổ vào đối tượng nào có tính hỗ trợ như doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và lĩnh vực kinh doanh cần được ưu tiên để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nhóm bị thiệt hại sâu do dịch COVID -19 hay các các lĩnh vực khác, dự án có hiệu quả, doanh nghiệp làm ăn chính đáng, hiệu quả, tích cực trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế sẽ cho vay”, ông nói.
Thực sự là NHNN khó “nhẩn nha” với câu chuyện cung tiền, đặc biệt khi giá xăng không nói đâu xa, ngay trong nước đã dự báo lên mức kỷ lục vượt 33.000đ/lít, khiến hai chữ “lạm phát” càng trở nên nóng rẫy. Việc NHNN vẫn sử dụng công cụ trực tiếp là hạn mức tín dụng để tác động vào khối lượng cung, cầu tiền tệ của nền kinh tế vào lúc này, theo hướng “đóng chốt” hoặc “mở khóa” chắc chắn vẫn sẽ phải linh hoạt và gắn chặt vào các tình trạng của thị trường, bao gồm các biến động giá.