Thanh khoản ngân hàng vẫn gặp khó, lãi suất sẽ còn tăng

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền vào hệ thống ngân hàng và tiền gửi vào nhà băng khởi sắc, thanh khoản các nhà băng vẫn gặp căng thẳng trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Liên tục từ tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm tiền cho các ngân hàng qua kênh thị trường mở. Ngày 5/5, NHNN tiếp tục mua lại giấy tờ có giá kỳ hạn 14 ngày của một thành viên với khối lượng trúng thầu 381,24 tỷ đồng, lãi suất 2,5%/năm. Đây là phiên trúng thầu thứ 30 kể từ đầu tháng 3 đến nay, tổng cộng, NHNN bơm tiền cho ngân hàng lên gần 16.000 tỉ đồng.

Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao

Chỉ tính riêng trong tháng 4, NHNN đã có 18 phiên bơm tiền cho các thành viên và ngày cuối tháng 4 có giá trị tăng đột biến lên 3.109,44 tỷ đồng chỉ với 2 thành viên trúng thầu.

Đáng chú ý hơn, bất chấp việc NHNN liên tục bơm tiền, thanh khoản các ngân hàng vẫn trong trạng thái thiếu hụt, dẫn tới lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức cao trên 2%/năm.

Trong tuần gần nhất, nhờ nguồn tiền từ NHNN mà mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhẹ, tuy nhiên, lãi suất các khoản vay liên ngân hàng qua đêm vẫn ở mức 2,07%/năm. Trong khi các khoản vay 1 tuần có lãi suất 2,26%/năm, 1 tháng là 2,88%/năm.

Bên cạnh giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, việc các ngân hàng thiếu hụt thanh khoản còn thể hiện ở xu hướng nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động thời gian gần đây.

Theo VNDirect, tính đến ngày 26/4/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021 trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 14 điểm cơ bản và 13 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021. 

Khảo sát của VnBusiness, lãi suất tiền đồng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng từ đầu tháng 5 đến nay liên tục tăng. Điển hình, ngày 14/5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) áp dụng lãi suất huy động tiết kiệm mới tăng khoảng 0,1 - 0,3%/năm, cụ thể 6 tháng lên 6%/năm, 9 tháng lên 6,5%/năm, 12 tháng lên 7,3%/năm…

Trước đó, nhiều ngân hàng như: MB, ACB, NamABank… cũng tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,5%/năm (theo từng kỳ hạn)

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng bị thiếu hụt thanh khoản để bổ sung là tăng trưởng tín dụng đang rất tích cực. Mặc dù huy động vốn trong những tháng đầu năm tăng so với thời điểm cuối năm ngoái, nhưng nếu so với tốc độ tăng trưởng cho vay thì huy động vẫn còn thấp hơn.

Điển hình, tại TP.Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Tuy nhiên, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ ước tăng 2,74% so với cuối năm 2021, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tương tự, tại Hà Nội, tính đến hết tháng 4 tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước tính đạt 4.402 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 3,5% so với thời điểm kết thúc năm 2021. Trong đó tiền gửi đạt 4.006 nghìn tỉ đồng, tăng 0,9% và tăng 3,5%.

Trao đổi với VnBusiness, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, nền kinh tế mở cửa sau các tháng phong toả cuối năm 2021 đã giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục mạnh trở lại.

Sự hồi phục này cũng kéo theo nhu cầu về vốn tăng cao, làm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, từ đó khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao so với giai đoạn 2020-2021.

Giới chuyên môn cũng cho rằng có nhiều lý do khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Theo phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc. Đồng thời, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.

Các chuyên gia VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong những quý tới. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng mức tăng sẽ không lớn, khoảng 30 -50 điểm cơ bản cho cả năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9 -6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5 -5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.