Xu hướng lãi suất huy động tăng, mối nguy cơ đang lớn dần?
Trong ba tháng đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh đã điều chỉnh lãi suất huy động 0,3-0,7 điểm % nhằm thu hút tiền gửi.
Theo giới chuyên môn, khả năng duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp rất thách thức với các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, gói hỗ trợ 2% vốn vay được Chính phủ ban hành từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa đi vào thực tế, khiến các doanh nghiệp không khỏi lo lắng về mối nguy cơ lãi suất cho vay tăng đang lớn dần.
Cuộc đua lãi suất sắp bắt đầu
Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết lãi suất huy động có dấu hiệu tăng trên diện rộng. Theo đó, cùng với việc nhu cầu tín dụng tăng nhanh, trong ba tháng đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh đã điều chỉnh lãi suất huy động từ 0,3-0,7 điểm % nhằm thu hút tiền gửi. Từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, trên 10 ngân hàng đã nâng lãi suất huy động.
Xét về mức lãi suất huy động cao nhất, không ít ngân hàng đã vượt qua 7%/năm, thậm chí tiến gần tới 8%/năm. Theo khảo sát trước đó của VnBusiness, nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất lên mức trên 7% như: Techcombank (7,8%/năm), NamABank (7,4%/năm), SCB (7,6%/năm), ACB, MSB, VietCapital… hiện có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm.
Theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 4 lãi suất huy động tăng nhẹ 0,2%, chủ yếu ở các sản phẩm tiền gửi đặc thù. "Lãi suất huy động tuy có sự thay đổi song mức tăng không nhiều (tăng khoảng 0,17% - 0,2%/năm) và chủ yếu ở các loại sản phẩm tiền gửi đặc thù (như số tiền gửi lớn; kỳ hạn gửi trung dài hạn và gắn với sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử như gửi tiết kiệm online, sử dụng dịch vụ ngân hàng số…), ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Khảo sát trên thị trường liên ngân hàng, mặc dù lãi suất qua đêm bằng VND đã hạ nhiệt trong nửa cuối tháng 4, chỉ còn khoảng 1,43%/năm tại ngày 26/04/2022, nhưng doanh số giao dịch bình quân vẫn duy trì ở mức cao đạt 188.168 tỷ đồng, xấp xỉ mức bình quân của tháng 3/2022.
Giới chuyên môn phân tích, nếu thanh khoản vẫn eo hẹp và sức ép lạm phát tiếp tục tăng, chắc chắn lãi suất huy động sẽ còn được đẩy lên. Đặc biệt, những ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, thanh khoản yếu, dễ đẩy lãi suất huy động trên thị trường dân cư tăng và thúc đẩy cuộc đua lãi suất.
Ngoài lý do trên, các ngân hàng đang bị thiếu thanh khoản do tín dụng bật tăng mạnh mẽ. Đơn cử, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, dư nợ tín dụng trên địa bàn hiện đạt trên 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng dư nợ tín dụng trên toàn quốc.
Tín dụng tăng nhanh trong 4 tháng do nhu cầu vốn phục hồi sản xuất kinh doanh cải thiện đáng kể. Tín dụng bằng tiền đồng chiếm ưu thế, chiếm 93% và tăng trưởng cao hơn tốc độ bình quân khi đạt tới 7,6%.
Vốn rẻ chưa đến tay đã lo tăng lãi suất
Mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, nhưng theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định. “Về cơ bản, lãi suất trên địa bàn trong bốn tháng đầu năm ổn định và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn phục hồi và tăng trưởng", ông Lệnh cho biết.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn lo ngại về xu hướng lãi suất huy động tăng. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, vốn rẻ chưa đến tay nhưng lãi suất huy động đã nhấp nhổm tăng từ cuối quý I/2022 do sức ép lạm phát và ngân hàng cạnh tranh thu hút vốn từ kênh chứng khoán, bất động sản.
Không những thế, kênh huy động bằng trái phiếu doanh nghiệp đang ngày một siết chặt, tâm lý của nhà đầu tư trở nên e dè hơn sau vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua, khiến nhiều doanh nghiệp tìm đến kênh ngân hàng, làm nhu cầu vay vốn tăng. Tất cả những yếu tố này tác động sẽ khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng và gây áp lực mạnh mẽ lên lãi suất cho vay.
Ông Nguyễn Huy Hùng, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại Ba Vì (Hà Nội) chuyên sản xuất đồ gỗ, nội thất chia sẻ: “Nhiều ngân hàng thương mại đã công bố tăng lãi suất huy động từ 0,1% đến 0,5%/năm. Một số ngân hàng cũng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, khiến các doanh nghiệp thêm khó khăn vì bị bồi thêm áp lực tăng chi phí đầu vào, từ giá nguyên vật liệu, xăng dầu, logistics, nhân công đến giá vốn”.
Trong khi đó, gói cấp bù lãi suất vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng trong khi nhiều cấu phần của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đã được triển khai rốt ráo, đem lại hiệu quả tích cực về phục hồi kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cần sớm được khởi động để không làm mất cơ hội phục hồi tốt nhất cho đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong hoàn cảnh bất thường cần có chính sách bất thường, nhìn vào cơ hội phục hồi, phát triển của nền kinh tế để xây dựng chính sách thay vì nhìn vào rủi ro. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang khởi động lại sau hai năm tạm đóng cửa hoặc giảm quy mô do tác động của đại dịch COVID-19, tài sản đã hư hỏng xuống cấp, lao động "rơi rụng" nhiều. Nếu được tiếp cận vốn vay, nhất là vốn rẻ được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ là "liều thuốc bổ" để nhanh phục hồi. Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát chặt nguồn cung tiền, đặc biệt là bảo đảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên ở mức thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.