Thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng tốc

Quang Tuấn

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán khong dùng tiền mặt (TTKDTM) nhiều hơn. Phương thức này đang tiếp tục thu hút nhiều người dùng hơn bằng cách hợp tác với các ngân hàng và tạo ra nhiều điểm thanh toán cũng như các dịch vụ ngoại tuyến và trực tuyến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong những tháng đầu năm 2020, hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng trong những tháng đầu năm 2020, hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt.

Một trong những cú hích thanh toán không tiền mặt trong đợt dịch vừa qua là việc giảm phí. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, có đến 65% giao dịch thanh toán đã được miễn và giảm phí trong đợt dịch, trên 50% ngân hàng đã giảm phí, có ngân hàng giảm phí từ 7.000 đồng xuống 0 đồng. Hiện tỷ trọng các giao dịch dưới 2 triệu đồng chiếm đến 70% giao dịch thanh toán.

Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đã có trên 18.300 ATM, hơn 289.000 POS, 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và hệ thống chuyển mạch đều đạt trên 30% TTKDTM.

Hiện có đến 80 công ty Fintech đang hoạt động tại Việt Nam và 47% trong số đó là công ty cung cấp các dịch vụ thanh toán. Tuy nhiên, các công ty Fintech ở Việt Nam hiện nay có quy mô còn nhỏ, các chính sách của Chính phủ quy định dành cho những công ty này cũng còn hạn hẹp về đối tượng áp dụng và hạn chế về nghiệp vụ và độ phủ sóng do chi phí ban đầu cho hạ tầng công nghệ còn quá cao.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử năm 2019 qua kênh mobile banking lần lượt là 198% và 210%; các kênh ineternet banking và ví điện tử cũng đều tăng trưởng khoảng 37-86% so với cùng kỳ.

Tỷ trọng giao dịch tại ATM giảm từ 62% của năm 2018 xuống còn 42% vào cuối năm 2019, cho thấy sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền mặt phục vụ chi tiêu hằng ngày sang các kênh ngân hàng điện tử.

Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho thấy, thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi mà các giao dịch qua internet, điện thoại di động tăng tới 238% về giá trị.

Các con số thống kê về thanh toán không dùng tiền mặt cho thấy, thanh toán điện tử ở Việt Nam đã phát triển và tăng trưởng rất nhanh, hình thức thanh toán rất đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn gặp những trở ngại do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, vào tiềm thức của người dân, bên cạnh đó, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử nên việc triển khai TTKDTM gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, mới có khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 70% số người chưa có tài khoản tập trung ở các vùng thôn quê, vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn đề cần giải quyết, vì có tài khoản ngân hàng thì mới có thể sử dụng được phương thức TTKDTM.

Ngoài ra, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện, mặc dù thời gian vừa qua đã được cải thiện nhiều, song chưa được đánh giá đầy đủ và đồng bộ. Các chính sách Nhà nước về TTKDTM chưa đầy đủ, chưa Luật hóa các hoạt động TTKDTM. 

Đồng thời, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó là sự thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Các ngân hàng và công ty Fintech chịu trách nhiệm lớn về việc cung cấp phương tiện thanh toán cho người dân, nhưng đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa mới là nơi để người dân thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa nhiều.