Thực trạng và giải pháp thu hút kiều hối về Việt Nam
Kiều hối ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam luôn nằm trong Top 10 quốc gia đón dòng kiều hối nhiều nhất thế giới.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, lượng kiều hối chảy về Việt Nam đạt gần 17 tỷ USD, xếp thứ 9 trên toàn thế giới, tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, dòng kiều hối chảy về Việt Nam có nguy cơ sụt giảm mạnh. Bài viết phân tích thực trạng và lý giải nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, từ đó đề xuất giải pháp nhằm khắc phục xu hướng sụt giảm kiều hối về Việt Nam hiện nay.
Kiều hối và vai trò của kiều hối đối với nền kinh tế
Khái niệm: Kiều hối được hiểu là khoản tài chính hoặc hiện vật do người di cư chuyển về cho gia đình, người thân, bạn bè ở quê hương. Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối bao gồm tất cả các món chuyển khoản hiện tại bằng tiền mặt hoặc hiện vật giữa cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú, không phụ thuộc vào nguồn thu nhập của người gửi và mối quan hệ giữa các hộ gia đình (bất kể họ là cá nhân có liên quan hay không liên quan).
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, kiều hối là tiền và hiện vật do người lao động sống và làm việc ở nước ngoài từ một năm trở lên chuyển về đất nước của họ. Trong đó, kiều hối bao gồm các khoản thu nhập của người lao động, chuyển tiền cá nhân.
Vai trò của kiều hối đối với nền kinh tế: Kiều hối đem lại nhiều lợi ích cho người dân, cũng như nền kinh tế của nước sở tại, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, 2016). Kiều hối thông thường từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình. Theo đó, đối với cá nhân, hộ gia đình đây là nguồn thu nhập giúp trang trải và nâng cao mức sống (Dilip, 2005).
Đối với nền kinh tế, theo Ravallion và Chen (1997) hay Lopez và Molina (2006), kiều hối góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển và nó được thể hiện ở nhiều tiêu chí, ví dụ như: tăng thu nhập, tăng chi tiêu cho giáo dục, y tế, thực phẩm.
Ngoài ra, kiều hối còn được đánh giá mang lại các tác động tích cực đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, cụ thể như: Là nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế (Đỗ Thị Kim Hảo và Đinh Thị Thanh Long, 2017).
Kiều hối giúp tăng trưởng kinh tế thông qua mô hình số nhân chi tiêu: Theo mô hình số nhân chi tiêu, một đô la kiều hối các hộ gia đình nhận được sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ, tăng thêm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm (Dillip Ratha, 2005).
Giuliano và Ruiz-Arranz (2009) khẳng định, dòng kiều hối giúp phát triển hệ thống tài chính của các quốc gia có hệ thống tài chính kém phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của Aggarwal và cộng sự (2011) cho rằng, khi dòng kiều hối tăng lên sẽ làm tăng lượng tiền gửi cũng như tín dụng tại các tổ chức tín dụng, qua đó giúp hệ thống tài chính phát triển.
Kiều hối cũng có thể trở thành nguồn tiền đầu tư dưới hình thức tiền gửi ngân hàng, ngân hàng lại sử dụng vốn huy động cho vay các dự án xây dựng nhà ở. Hoặc hộ gia đình có thể trực tiếp mua cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà ở, làm tăng cung quỹ cho vay, tăng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nhà ở. Nguồn vốn đầu tư tăng thêm có tác dụng giảm lãi suất cho vay với các dựa án xây dựng nhà ở, chi phí mua hoặc thuê nhà trở nên rẻ hơn, tăng số lượng nhà ở được cung cấp trên thị trường…
Thực trạng và dự báo xu hướng kiều hối về Việt Nam
Ở Việt Nam, kiều hối được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích kiều bào, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về trong nước, qua hai kênh, chính thức và phi chính thức.
Quy mô của thị truờng kiều hối chuyển qua kênh phi chính thức gần bằng kiều hối chuyển qua kênh chính thức (Quân, 2017). Có hai nhóm đối tượng chính chuyển kiều hối về Việt Nam, đó là kiều bào ở nước ngoài và những người đi xuất khẩu lao động. Họ có nhu cầu chuyển tiền về cho người thân, gia đình, đây cũng là hai nguồn chủ lực của kiều hối về Việt Nam.
Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Úc, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.
Số liệu thống kê của WB (2018), trong tổng số 141.800 người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài, thì tỷ lệ sang Nhật Bản là 48,1%, Đài Loan là 42%, Hàn Quốc là 4,5%; tỷ lệ còn lại phân bổ cho các thị trường xuất khẩu lao động khác.
Cũng theo báo cáo của WB, những năm gần đây lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có xu hướng tăng lên, tốc độ tăng trung bình 10-15%/năm, cụ thể năm 2014 chỉ 12 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 đã tăng lên gần 17 tỷ USD. Do vậy, thời gian qua, Việt Nam luôn được xếp trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, sang năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 dự báo lượng kiều hối về Việt Nam sẽ không còn dồi dào như trước. Thống kê trong quý I/2020, kiều hối chuyển về Việt Nam chỉ 2.658 triệu USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2019; giảm 14,1% so với quý IV/2019 (IMF, 2019-2020) (Hình 3).
Nguyên nhân chính khiến dòng kiều hối về Việt Nam giảm dần phần lớn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lan rộng tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, khiến nhiều lao động ở nước ngoài mất việc, phải tạm nghỉ ở nhà, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, dẫn tới lượng kiều hối chuyển về cho người thân trong nước giảm.
Thực tế cho thấy, nguồn kiều hối của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào một số quốc gia - nơi mà có người dân Việt Nam di cư chủ yếu (như Mỹ, Anh, Canada) và những quốc gia có thị trường xuất khẩu lao động sôi động (như Nhật Bản, Đài Loan)...
Tuy nhiên, theo các thống kê của các công ty dịch vụ chuyển tiền quốc tế, kiều hối trong 2 quý đầu năm 2020 đã giảm đáng kể, nhất là từ các thị trường xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Thậm chí, theo một số công ty, lượng kiều hối chuyển về đã giảm mạnh, có nơi giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019, do những thị trường kiều hối chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Anh, Canada bị ảnh hưởng khá nặng từ Covid-19.
Đơn cử như: Mỹ là quốc gia có lượng kiều hối chuyển về Việt Nam nhiều nhất, tuy nhiên hiện nay nền kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của IMF (2020), trong quý II/2020, kinh tế Mỹ đã sụt giảm hơn 30% so với với cùng kỳ năm 2019 và ước tính cả năm 2020, kinh tế Mỹ có thể sẽ sụt giảm 6,6%. Trước tình hình này đã có rất nhiều người dân, bao gồm cả kiều bào Việt Nam bị thất nghiệp, giảm hoặc mất đi nguồn thu nhập và khó có khả năng tiếp tục chuyển tiền về cho người thân và gia đình ở quê hương.
Không chỉ các quốc gia phát triển chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng, công ty dịch vụ chuyển tiền quốc tế cũng phải đóng cửa hoạt động hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động vì dịch. Điều này khiến cho việc chuyển kiều hối về Việt Nam từ nước ngoài trở nên khó khăn hơn.
Theo dự báo, trên thế giới dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trong khi đó, nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát luôn hiện hữu, do đó, từ nay đến hết năm 2020, kiều hối về Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục giảm và theo nhận định của giới chuyên gia có khả năng giảm tới 40% so với năm 2019.
Giải pháp khắc phục xu hướng sụt giảm kiều hối về Việt Nam
Theo báo cáo của IMF, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tình hình kinh tế trên thế giới ngày càng xấu đi, kinh tế thế giới năm 2020 dự kiến sẽ giảm âm 5%. WB cũng dưa ra dự đoán, năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu cũng sẽ giảm khoảng 20%, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giảm 13%, chủ yếu do sụt giảm dòng tiền từ Mỹ. Như vậy, trong thời gian tới, kiều hối vẫn là nguồn thu nhập quan trọng đối với các quốc gia có thu nhập thấp, các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam.
Để khắc phục xu hướng sụt giảm và thu hút mạnh hơn nữa dòng kiều hối về Việt Nam, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng nền kinh tế, Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực, để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực như giáo dục và sức khỏe cộng đồng... nhằm tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước.
Đặc biệt, cần tiếp tục có chính sách mở rộng cho vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường xuất khẩu, địa bàn hoạt động kinh doanh ở cả trong và ngoài nước. Môi trường kinh doanh có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế. Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ tạo cơ hội gia tăng hiệu quả đầu tư, cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp… Muốn vậy, Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực, đặc biệt là hạn chế thay đổi đột ngột các quy định trong hoạt động đầu tư, nới lỏng các quy định, điều khoản, thủ tục hành chính.
Thứ hai, tạo lập một hạ tầng tài chính vững mạnh với các tổ chức tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả, cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính.
Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu chi tiết hơn để có căn cứ cho việc thực hiện chính sách tỷ giá, lãi suất và các chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp trên cơ sở đó, có thể định hướng cho việc khai thác và sử dụng kiều hối hiệu quả hơn trong tương lai. Cụ thể, trong điều hành tỷ giá và quản lý ngoại hối, cần tiếp tục thực hiện theo tín hiệu thị trường, phù hợp với diễn biến lãi suất, cân đối hài hòa cung cầu ngoại tệ và thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, giảm dần tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Các ngành có liên quan như quản lý thị trường, thanh tra, cơ quan thông tin đại chúng... cần phối hợp cùng hệ thống ngân hàng chấm dứt tình trạng bán hàng thu bằng ngoại tệ và niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ trái phép.
Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp đảm bảo cho lãi suất tiền gửi nội tệ đủ sức hấp dẫn, khuyến khích người nhận kiều hối chuyển sang nội tệ gửi vào ngân hàng thương mại.
Không chỉ các quốc gia phát triển chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng, công ty dịch vụ chuyển tiền quốc tế cũng phải đóng cửa hoạt động hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động vì dịch. Điều này khiến cho việc chuyển kiều hối về Việt Nam từ nước ngoài trở nên khó khăn hơn.
Ngoài các giải pháp trên, để tiếp tục thu hút kiều hối giai đoạn này các ngân hàng thương mại trong nước cũng cần có chính sách hỗ trợ việc giảm chi phí về chuyển tiền, thực hiện đơn giản hóa quy trình để đảm bảo chuyển tiền nhanh, thuận lợi cho người gửi tiền và người nhận kiều hối cũng an tâm hơn. Hiện nay, chi phí gửi tiền qua các kênh chính thức còn khá cao.
Đồng thời, các công ty chuyển tiền, ngân hàng thương mại cần nâng cao giới thiệu, phổ biến, áp dụng các nền tảng kỹ thuật số của chuyển tiền trực tuyến và dịch vụ ngân hàng cho những người dân nhập cư cũng như các hộ gia đình, tạo thuân lợi trong quá trình chuyển kiều hối về nước.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho người Việt Nam ở nước ngoài về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con kiều bào trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất - kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự gắn bó của người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước; tiếp tục quán triệt và xem người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thông qua người Việt Nam ở nước ngoài, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và vận động bạn bè quốc tế quan tâm, đầu tư vào Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Thị Kim Hảo và Đinh Thị Thanh Long (2017), “ Tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế”, Tạp chí Ngân hàng, tháng 05/2017;
2. Đỗ Đức Quân (2017), “Tác động từ dòng kiều hối đến kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị”, Tạp chí Tài chính, tháng 03/2017;
3. Dilip Ratha, “Worker remitances: An important and stable source of external development finance”, World Bank 2005;
4. IMF (2009), Balance of Payments and International Investment Position, 6 Edition, IMF, Washington DC;
5. OECD (2006), International Migration outlook: Sompemi 2006 Edition– ISBN 92-64-03627-x;
6. WB (2019), Record High Remittances Sent Globally in 2018”;
7. IMF (2019), Balance of Payments data of Vietnam 2019;
8. IMF (2020), Balance of Payments data of Vietnam 2020.