Ưu tiên phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng

Hải An

Ngày 01/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 531/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, dịch vụ tài chính - ngân hàng là một trong bốn ngành dịch vụ được định hướng ưu tiên phát triển.

Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Chiến lược nêu rõ mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP. Trong thời kỳ 2030 - 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 60% GDP.

Với mục tiêu nêu trên, các ngành dịch vụ được ưu tiên phát triển gồm: Dịch vụ du lịch; Dịch vụ logistics và vận tải; Dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; Và dịch vụ tài chính - ngân hàng. Trong đó, dịch vụ tài chính - ngân hàng được định hướng như sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng theo hướng đổi mới quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Phát triển đồng bộ giữa các cấu phần của thị trường để lĩnh vực tài chính - ngân hàng tiếp tục trở thành kênh huy động và dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế; Coi trọng phát triển quy mô, chất lượng và tăng cường khả năng cạnh tranh của các định chế trung gian, tạo sự liên thông giữa hoạt động của thị trường chứng khoán, bảo hiểm với thị trường tiền tệ - tín dụng để phát triển cân bằng giữa các cấu phần của thị trường tài chính.

Thứ hai, phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng gắn với hội nhập thị trường tài chính. Thực hiện tự do hoá các ngành và phân ngành dịch vụ tài chính. Phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế.

Thứ ba, phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển dần từ mô hình kinh doanh truyền thông sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Thứ tư, phát triển các kênh cung cấp vốn cho thị trường; mở rộng hệ thống các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư là các tổ chức lớn; phát triển đầy đủ các định chế trung gian; đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp. Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng phi tín dụng.

Với định hướng nêu trên, các giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng – tài chính được xác định gồm:

Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Hai là, đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối và vàng:

Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ hướng đến mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; Phát triển bền vững thị trường vàng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thị trường vàng, hạn chế tình trạng vàng hóa, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và ổn định tiền tệ vĩ mô.

Ba là, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Bốn là, tăng cường ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của ngành tài chính, ngân hàng.

Năm là, đối với lĩnh vực bảo hiểm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm; tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm.

Sáu là, đối với lĩnh vực chứng khoán: Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng; phát triển nhanh quy mô chất lượng của thị trường; hoàn thiện cơ cấu tổ chức thị trường chứng khoán bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho phát triển thị trường ổn định, an toàn, bền vững; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và thực thi pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường; đổi mới hệ thống công nghệ thông tin phục vụ giao dịch, thanh toán, giám sát; chủ động hội nhập với thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán khu vực quốc tế, tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất.

Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP. Các ngành dịch vụ được ưu tiên phát triển gồm: Dịch vụ du lịch; Dịch vụ logistics và vận tải; Dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; Và dịch vụ tài chính - ngân hàng.