Phát triển dịch vụ kế toán Việt Nam theo cam kết hội nhập quốc tế

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2021

Bài viết trao đổi về yêu cầu đối với kế toán và dịch vụ kế toán của Việt Nam hiện nay; Các cam kết cụ thể của Việt Nam trong quá trình hội nhập trong lĩnh vực kế toán và dịch vụ kế toán, đồng thời, đưa ra một số giải pháp trọng tâm nhằm đáp ứng với hội nhập quốc tế dịch vụ kế toán của Việt Nam thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong xu hướng phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay, các dịch vụ kế toán ngày càng được nhắc đến nhiều hơn bởi nó mang lại lợi ích không chỉ cho các doanh nghiệp, mà còn cho các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước và cho cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán trên thị trường nước ta hiện nay đa số vẫn do các công ty kiểm toán thực hiện và một lực lượng đông đảo những người làm nghề kế toán thực hiện các dịch vụ với tư cách cá nhân mặc dù chưa đủ điều kiện đăng ký hành nghề.

Yêu cầu đối với kế toán và dịch vụ kế toán trong hội nhập kinh tế

Theo số liệu của Cục Quản lý, Giám sát Kế toán - Kiểm toán (Bộ Tài chính), mặc dù có thị phần rất rộng lớn bao gồm cả các doanh nghiệp (DN) và các đơn vị kế toán nhà nước, song số lượng DN cung cấp dịch vụ đăng ký còn hạn chế, quy mô thị trường còn nhỏ.

Tính đến hết tháng 12/2020, có 135 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (tăng 14,4% so với năm 2019) và 386 cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (tăng 19,9% so với năm 2019).

Về tỷ lệ tăng trưởng, quy mô DN tăng hàng năm khá nhanh, nhưng số lượng còn khiêm tốn. Năm 2019, mặc dù DN đã tăng 57% so với năm 2018 nhưng số lượng khách hàng chỉ đạt con số 7.396 đơn vị, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong thị trường. Tuy nhiên, với chủ trương mở cửa thị trường tài chính, khả năng hội nhập của lĩnh vực kế toán của Việt Nam trong những năm qua là rất chủ động, nhanh chóng.

Theo Trần Anh Hoa, Mai Thị Hoàng Minh (2020), thị trường kế toán và dịch vụ kế toán thống nhất đã và đang hình thành trong khu vực các nước ASEAN. Thị trường dịch vụ kế toán thống nhất đòi hỏi có sự chuẩn bị ở tất cả các nước thành viên về khuôn khổ pháp lý, về sự hài hoà các chuẩn mực kế toán, thu hẹp khoảng cách của sự khác biệt, về sự phối hợp và thống nhất của chương trình, nội dung đào tạo, huấn luyện; thi cử và đánh giá chất lượng đào tạo, chất lượng dịch vụ; về sự thừa nhận lẫn nhau các chứng chỉ hành nghề của mỗi quốc gia.

Bên cạnh đó, còn có cả những thách thức đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu về kế toán. Vì trong cam kết về dịch vụ của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có nội dung cam kết chung cho tất cả các ngành và phân ngành dịch vụ là các DN nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, DN liên doanh, DN 100% vốn nước ngoài.

Thực tiễn cho thấy, kế toán là loại hình dịch vụ cao cấp và đặc biệt. Theo thông lệ quốc tế, người hành nghề phải có chứng chỉ do tổ chức nghề nghiệp quốc gia hay tổ chức nghề nghiệp quốc tế có uy tín cấp sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch về trình độ chuyên môn, hiểu biết pháp luật. Người được cấp chứng chỉ hành nghề của nước nào thì chỉ được cung cấp dịch ở nước đó. Ngoài ra, một số chứng chỉ kế toán do tổ chức nghề nghiệp có uy tín cũng có thể được chấp nhận ở nước đó khi trải qua kỳ thi sát hạch về kiến thức luật pháp của nước sở tại.

Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập thị trường chung, trong Hiệp định khung ASEAN về thoả thuận thừa nhận lẫn nhau cũng đưa ra danh hiệu mới, kế toán viên công chứng ASEAN (ACPA). Chứng chỉ ACPA cho những người hành nghề trong khu vực, đòi hỏi các nước phải đạt được thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về nền giáo dục, chương trình đào tạo kế toán, bằng cấp, tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ hành nghề thông qua việc ký kết MRA song phương hoặc đa phương.

Trong bối cảnh đó, kế toán và dịch vụ kế toán phuc vụ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cần tuân thủ mục tiêu quan điểm và lộ trình đã được xác định trong chiến lược hội nhập tài chính quốc tế và cần phải đảm bảo một số yêu cầu sau:

- Kế toán và dịch vụ kế toán của Việt Nam phải hướng tới và dần phù hợp với nguyên tắc, tập quán, chuẩn mực chung của kế toán quốc tế;

- Kế toán và dịch vụ kế toán phải đảm bảo tối đa lợi ích của Việt nâng cao năng lực cạnh tranh;

- Kế toán và dịch vụ kế toán phải được xây dựng trên cơ sở đặc điểm và trình độ của nền kinh tế chuyển đổi.

Các cam kết cụ thể của Việt Nam trong quá trình hội nhập trong lĩnh vực kế toán và dịch vụ kế toán

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã xây dựng lộ trình mở cửa thị trường kế toán và dịch vụ kế toán nhằm tạo điều kiện cho các công ty dịch vụ kế toán - của nước ngoài được phép thành lập và hoạt động ở Việt Nam.

Ngược lại, các doanh nghiệp kế toán Việt Nam sẽ được phép hoạt động ở nước ngoài với tư cách là nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Các chuyên gia kế toán có chứng chỉ hành nghề, đủ điều kiện được hành nghề sẽ được phép hành nghề và cung cấp dịch vụ không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập trong lĩnh vực kế toán và dịch vụ kế toán cụ thể như sau:

Các cam kết về kế toán và dịch vụ kế toán trong ASEAN

Trong lĩnh vực kế toán, thời gian đầu chỉ cho phép 6 công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán hiện đang hoạt động tại Việt Nam, không cho phép thành lập thêm công ty có vốn nước ngoài. Các công ty kiểm toán 100% vốn nước ngoài trước hết chỉ được phép cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và dự án do nước ngoài tài trợ vốn.

Các cam kết về dịch vụ kế toán trong Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA)

Cam kết mở cửa thị trường kế toán và dịch vụ kế toán cho liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài của Mỹ sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; Bỏ giới hạn phạm vi hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau 3 năm tiếp theo kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 2 năm, các công ty Hoa Kỳ sẽ được phép kinh doanh trong các lĩnh vực bình đẳng như các doanh nghiệp kế toán trong nước.

Cam kết về dịch vụ kế toán, kiểm toán và quản lý chứng từ trong WTO

Thực hiện các cam kết về dịch vụ kế toán, kiểm toán và quản lý, Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán nước ngoài (không có hiện diện thương mại tại Việt Nam) được cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán cho các doanh nghiệp khách hàng tại Việt Nam. Do đó, báo cáo kế toán, kiểm toán của các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán nước ngoài sẽ được công nhận nếu các doanh nghiệp và các báo cáo này đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan .

Theo cam kết, Việt Nam không hạn chế phương thức tiêu dùng ở nước ngoài đối với các dịch vụ kiểm toán, kế toán, ghi sổ kế toán và dịch vụ thuế. Như vậy, các tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và hoạt động ở nước ngoài có quyền thuê các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán nước ngoài thực hiện dịch vụ này cho mình.

Việt Nam cam kết cho phép thành lập các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, ghi sổ 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh (không hạn chế tỷ lệ tham gia vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong liên doanh) ngay từ thời điểm gia nhập WTO. Như vậy, về cơ bản, việc đầu tư và tham gia thị trường kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế ở Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài là không hạn chế.

Trên thực tế, Việt Nam đã cho phép thành lập các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, ghi sổ kế toán 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh từ trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Trên thực tế đã có những doanh nghiệp được thành lập và hoạt động. Thực tế này cho thấy, cam kết không hạn chế trong mở cửa thị trường kế toán, kiểm toán, ghi sổ kế toán về cơ bản không tạo ra tác động lớn so với trước đây.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, ngoài các điều kiện trên, các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đưa ra các điều kiện khác đối với nhà đầu tư để đảm bảo năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng kiến thức của các doanh nghiệp. Những điều kiện phải đảm bảo, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư đến từ các nước khác nhau và không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu  tư nước ngoài.

Giải pháp đẩy mạnh dịch vụ kế toán của Việt Nam hội nhập quốc tế

Từ tháng 8/2016, vị thế của kế toán Việt Nam đã được nâng cao vị thế trong khu vực Đông Nam Á, khi Hiệp định khung về thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong lĩnh vực kế toán đã được ký kết giữa 10 nước thành viên ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 10. Từ đây, có thể khẳng định sứ mệnh và vai trò của lực lượng kế toán - ngày càng được đề cao trong xã hội, vì thế đòi hỏi của xã hội đối với những người làm nghề kế toán ngày càng lớn và đó cũng là trọng trách của hoạt động đào tạo kế toán trong các trường đại học và viện nghiên cứu hiện nay.

Đồng thời, các trường đại học, viện nghiên cứu có chuyên ngành kế toán – kiểm toán sẽ có điều kiện mở rộng hợp tác liên doanh với các cơ sở của nước ngoài; qua đó, có nhiều thuận lợi trong việc học tập, áp dụng kinh nghiệm, phương pháp nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn, công tác đào tạo, nghiên cứu nước ta có điều kiện tiếp cận và theo kịp trình độ tiên tiến của các nước trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, nhằm đáp ứng giữa nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn tài chính, kế toán, thuế của nền kinh tế Việt Nam trong từng giai đoạn, định hướng phát triển của ngành dịch vụ này trong thời gian tới là phải tiếp tục củng cố và tăng cường phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động; đồng thời, từng bước tham gia tiến trình mở cửa và hội nhập với hoạt động nghề nghiệp của các nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể cần tập trung một số nội dung sau:

- Tạo dựng đầy đủ khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán; tiếp tục mở rộng thị trường, phát triển thêm số lượng và tăng cường chất lượng dịch vụ của các tổ chức dịch vụ và tổ chức nghề nghiệp hiện có ở Việt Nam.

- Tiếp tục mở cửa thị trường cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các khung pháp lý để tạo điều kiện cho các hoạt động của ngành dịch vụ này có thể phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Từng bước thừa nhận những chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán quốc tế phù hợp với đặc thù và trình độ phát triển của nền kinh tế Việt.

- Phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ kế toán và nguồn nhân lực kế toán.

Kết luận

Việt Nam đã từng bước chuyển mình bằng việc thể chế hoá các định chế hệ thống pháp lý, tạo điều kiện cho mọi tổ chức sẵn sàng hoà nhập và thách thức trong môi trường cạnh tranh. Với gần 20 năm hệ thống pháp luật về kế toán của Việt Nam liên tục được phát triển và hoàn thiện.

Điểm nhấn là Việt Nam đã ban hành Luật Kế toán, hệ thống các chuẩn mực về kế toán – kiểm toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và được quốc tế thừa nhận đã bao quát hầu hết các lĩnh vực hoạt động của mọi loại hình doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc minh bạch số liệu; đồng thời, cũng tạo môi trường đầu tư lành mạnh, từng bước thực hiện các cam kết hội nhập trong lĩnh vực kế toán theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết hoặc gia nhập.    

Tài liệu tham khảo:

  1. Đặng Văn Thanh (2016), Báo cáo nghiên cứu những vấn đề về tài chính và ngân sách trong các cam kết quốc tế và việc gia nhập tổ ch ức thương mại thế giới của Việt Nam, Dự án VIE 2/2016 - Chủ nhiệm chuyên đề;
  2. Đức Chính (2021), Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 02/2021;
  3. Hà Thị Ngọc Hà, Những vấn đề cần tiếp tục phải hoàn thiện: Khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán trong những năm tới, Tài liệu Hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động Kiểm toán độc lập Việt Nam;
  4. Vị Xuyên (2018), Tiến tới hội nhập thị trường chung của khu vực, Tạp chí kế toán số 66 tháng 6/2018;
  5. Hà Thị Ngọc Hà (2020), Hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam đã phù hợp với thông lệ Quốc tế, Tạp chí kế toán Việt Nam số 74 tháng 10/2020;
  6. Phạm Văn Đăng (2019), Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc (ngày 16/4/2019).