PGS., TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Vay với lãi suất thấp không giá trị bằng việc kéo dài thời hạn vay

Theo daibieunhandan.vn

PGS.,TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất khát vốn, họ sẵn sàng vay vốn với lãi suất cao để cứu được doanh nghiệp. Vì vậy, việc vay vốn với lãi suất thấp không có giá trị bằng việc kéo dài thời hạn vay và điều kiện tín chấp.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tác động của các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian qua?

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, chủ yếu là các giải pháp về chính sách tài khoá, tiền tệ nên vai trò của các ngân hàng trong thời gian qua là rất lớn. Cụ thể: các ngân hàng đã hạ lãi suất, tái cơ cấu nợ cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Với những gói hỗ trợ như: hạ lãi suất trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, điều này tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của các ngân hàng thương mại trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đầy khó khăn và các doanh nghiệp đều hiểu rất rõ vấn đề này.

PGS.,TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
PGS.,TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, doanh nghiệp họ cần nhiều hơn thế, nhưng điều kiện của nước ta thì mức hỗ trợ hạ lãi suất đến 30 nghìn tỷ như vậy đã là một nỗ lực vô cùng to lớn, nhằm bảo đảm cho các doanh nghiệp có vốn để hoạt động trong điều kiện cần. Ngoài ra, nếu các gói hỗ trợ từ phía ngân hàng được cộng hưởng cùng với chính sách tài khóa từ Chính phủ nhiều hơn thì hiệu quả sẽ còn tốt hơn nữa.

Thưa ông, nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, đâu là giải pháp cần thiết, cấp bách về lâu dài?

Điều khó nhất của doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận được nguồn vốn. Nhưng điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn càng ngày càng khó, bởi vì các doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động trong thời gian dài, không phát sinh doanh thu hoặc không có lợi nhuận, các doanh nghiệp không trả được vốn vay cũ thì sẽ rất khó để tiếp tục vay từ các ngân hàng.

Theo tôi, đây là điều Chính phủ cần quan tâm đầu tiên, vì các chính sách tài khóa, tiền tệ phải có những giải pháp để giúp các ngân hàng, vì các ngân hàng không thể hạ điều kiện cho vay trong khi ngân hàng cũng cần được bảo đảm an toàn. Điều kiện cho vay hiện nay đã rất thấp, nếu tiếp tục hạ thêm nữa có thể gây ra rủi ro. Vì vậy, đây là thời điểm cần sự can thiệp của các chính sách tài khóa, tiền tệ.

Ví dụ: về quỹ hỗ trợ lãi suất, hiện nay đã có gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ trong hai năm, nhưng các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, không được hỗ trợ lãi suất, cho nên phải có điều kiện bảo lãnh cho vay. Vì thế cần một quỹ bảo lãnh cho vay, với sự tham gia rất tích cực của các bộ phận liên quan để việc bảo lãnh cho vay ít gặp rủi ro nhất.

Tôi cho rằng, đây là điều kiện mấu chốt để giải quyết vấn đề. Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất khát vốn, họ sẵn sàng vay vốn với lãi suất cao để cứu được doanh nghiệp. Vì vậy, việc vay vốn với lãi suất thấp không có giá trị bằng việc kéo dài thời hạn vay và điều kiện tín chấp.

Trong Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ có nội dung đang được đánh giá cao đó là việc giảm thuế VAT xuống 2%. Chính sách này sẽ tác động như thế nào tới doanh nghiệp và người dân, thưa ông?

Giải pháp này sẽ có tác động tích cực rõ ràng nhất đến thị trường. Giải pháp giảm thuế VAT là giải pháp trực diện, có tính chất cứu nguy, điều này vô cùng quan trọng.

Với mức giảm 2% đã rất tốt, tuy nhiên nếu có thể giảm hơn được nữa thì sẽ tốt hơn, nhất là khi thời điểm Tết Nguyên đán sắp tới, các doanh nghiệp cần có chương trình giảm giá để khuyến khích thị trường. Điều này vừa giải quyết được vấn đề xã hội vừa giải quyết được các khó khăn của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!