Ngân sách hỗ trợ nhiều hoạt động công nghiệp hỗ trợ
Chính phủ đã xác định công nghiệp hỗ trợ là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian tới. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng đang được triển khai thực hiện.
Chính phủ đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ
Thời gian qua, nhiều ngành công nghiệp (điện tử, khai khoáng, hóa chất, hóa dược...) đã có những bước tiến quan trọng, tuy nhiên việc phát triển công nghiệp phụ trợ còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân yếu kém của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là do cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ; doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, khó tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực nên chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị lớn...
CNHT là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian tới, trong đó đặc biệt là các ngành điện tử, dệt may, da giầy, thời trang, ô tô... Do đó, CNHT hiện là một trong những lĩnh vực được Chính phủ rất quan tâm, chú trọng phát triển.
Mục tiêu của chương trình phát triển CNHT là sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, đến năm 2025, sản phẩm CNHT đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa.
Với mục tiêu đó, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực CNHT đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện, các chính sách hỗ trợ phát triển CNHT và chính sách ưu đãi cho CNHT cũng đang được triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến 2025; Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 3/4/2017 ban hành Quy chế quản lý và thực hiện chương trình phát triển CNHT cùng nhiều văn bản khác...
Cụ thể hóa các hỗ trợ từ ngân sách nhà nước
Để cụ thể hóa chính sách hỗ trợ phát triển CNHT, ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 29/2018/TT-BTC hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển CNHT. Thông tư có hiệu lực từ ngày 11/5/2018 nêu rõ ngân sách sẽ hỗ trợ từ 50 - 100% chi phí đối với nhiều hoạt động CNHT.
Đối tượng được nhận hỗ trợ là các đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển CNHT, cơ quan quản lý Chương trình, các đối tượng thụ hưởng Chương trình và các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến phát triển CNHT.
Cụ thể, ngân sách sẽ đến 100% đối với các nội dung: Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp CNHT; Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNHT; Chi giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm CNHT cho các doanh nghiệp CNHT tại Việt Nam; Hỗ trợ mua trang thiết bị thử nghiệm chính cho các phòng thử nghiệm để nâng cao năng lực các trung tâm phát triển công nghệ hỗ trợ...
Các hoạt động được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 70% chi phí gồm: Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các DN CNHT trong nước; Chi hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; Tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước lĩnh vực CNHT.
Bên cạnh đó, ngân sách cũng hỗ trợ 50% chi phí cho các hoạt động: Hỗ trợ về nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các DN và các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực CNHT; Hỗ trợ DN CNHT hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm; Hỗ trợ DN tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại...
Tuy nhiên, Thông tư 29/2018/TT-BTC cũng nêu rõ, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ từ Chương trình phát triển CNHT phải đáp ứng các điều kiện như: Nhiệm vụ, đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Đơn vị đầu tư vốn hoặc cam kết đầu tư kinh phí thực hiện đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (sau khi trừ số kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ); Trong 02 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ không thuộc trường hợp đã chủ trì đề án phát triển CNHT có kết quả nghiệm thu ở mức “không đạt” hay sử dụng kinh phí đề án phát triển CNHT không theo quy định hiện hành...