Ngân sách nhà nước đang quá tải

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Sức ép bố trí chi ngân sách Nhà nước (NSNN) ngày càng lớn và cơ cấu chi ngân sách thay đổi theo hướng tỷ trọng chi thường xuyên và trả nợ tăng nhanh, tỷ trọng cho đầu tư phát triển giảm nhanh, trong khi các nguồn vốn ngoài NSNN tăng chậm, đã làm hạn chế nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.

 Ngân sách nhà nước đang quá tải
Sức ép bố trí chi NSNN ngày càng lớn. Nguồn: internet

Yếu tố tác động giảm thu

Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN giai đoạn 2011- 2015 bình quân khoảng 21% GDP, khá sát với Nghị quyết của Quốc hội (không quá 22-23% GDP), thấp hơn giai đoạn 2006- 2010 (24,8% GDP); tỷ lệ huy động từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14%GDP, tương tự giai đoạn 2006 - 2010 (khoảng 14,3% GDP); cùng với quy mô thu NSNN giai đoạn 2011- 2015 cũng bằng gần hai lần giai đoạn này.

Cơ cấu thu chuyển biến tích cực. Có thể nhìn từ số thu nội địa đã chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN. Đơn cử, giai đoạn 2006- 2010 là 58%, nhưng giai đoạn 2011- 2015 tăng lên khoảng 67%, riêng năm 2015 dự kiến tỷ trọng chiếm 70%, đạt mục tiêu đề ra.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính thời gian qua đã thực hiện điều chỉnh giảm một số loại thuế nhanh hơn dự kiến, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đã miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, cắt giảm hàng trăm khoản phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thu tiền sử dụng đất; giảm thuế suất thuế TNDN các DN nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực đặc thù; miễn, giảm mức thuế khoản (GTGT, TNDN,TNCN) cho tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ, cung ứng suất ăn ca; hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường, cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế… dẫn đến giảm thu NSNN trong giai đoạn này khoảng 85.000 tỷ đồng.

Kể cả các yếu tố do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến, quy mô huy động từ thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu so GDP giảm, dẫn đến tốc độ tăng thu bình quân giai đoạn 2011- 2015 khoảng  9-10%/năm, thấp hơn giai đoạn năm 2006- 2010 và trước đó (bình quân trên 20%/năm).

Nhiều khoản chi trông chờ NSNN

Mặc dù vậy, theo ông Huỳnh Quang Hải - Vụ trưởng Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính), về cơ cấu chi đã thay đổi theo hướng tiếp tục đầu tư cho con người, qua việc cải cách tiền lương và chế độ phụ cấp công vụ.

Ông Hải phân tích, quỹ lương giai đoạn 2011- 2015 bằng 2,4 lần giai đoạn 2006- 2010. Các chính sách an sinh xã hội tăng bình quân khoảng 18%/ năm, cao hơn tốc độ tăng thu NSNN (bình quân khoảng 9- 10%/ năm) và tốc độ tăng chi NSNN (bình quân khoảng 12%/năm).

Tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng chi giai đoạn 2011- 2015 ở mức cao (bình quân 64,8%), tăng xấp xỉ 10% so với giai đoạn 2006-2010 (bình quân 54-55%), dẫn đến tỷ trọng bố trí dự toán chi đầu tư phát triển giảm xuống mức bình quân là 18%, thấp hơn so với giai đoạn 2006- 2010 (bình quân 25%).

Một trong ba đột phá theo Nghị quyết của Đảng là đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội. Trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi, tăng trưởng thấp hơn dự kiến và thấp hơn so với giai đoạn trước, ảnh hưởng đến thu NSNN.

Cùng với đó, tích lũy của nền kinh tế còn nhỏ, khả năng huy động đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách còn hạn chế nên nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2011- 2015 trông chờ chủ yếu vào nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ (TPCP).

Thực tế, những năm qua đã phải duy trì bội chi NSNN và phát hành TPCP ở mức cao. Giai đoạn 2014- 2016 huy động thêm 170 nghìn tỷ đồng TPCP, ngoài 225 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2011- 2015, để có nguồn đầu tư 2 tuyến đường huyết mạch là Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 cùng một số dự án hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Giải pháp giảm dần bội chi

Để điều chỉnh lại cơ cấu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, Bộ Tài chính cho rằng cần phải có lộ trình, kết hợp với điều chỉnh chính sách để thực hiện dần trong một số năm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối NSNN tích cực, vững chắc, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra đó là: tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển, góp phần tăng quy mô thu NSNN; hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế và miễn giảm, gia hạn thuế trong trường hợp cần thiết, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong nước.

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Đánh giá tổng thể các chính sách, các chương trình, dự án đã triển khai giai đoạn 2011- 2015, rà soát để cắt giảm, lồng nghép các chính sách; xây dựng lộ trình, quy mô phù hợp đối với từng nhóm chính sách để thực hiện cho giai đoạn 2016- 2020; chỉ ban hành các chính sách làm tăng chi NSNN khi thực sự cần thiết và có nguồn kinh phí đảm bảo.

Cuối cùng là cơ cấu lại các khoản nợ công, tăng nhanh các khoản vay trung và dài hạn, hạn chế tối đa việc huy động với thời gian ngắn, lãi suất cao; ưu tiên bố trí chi trả nợ, giảm dần tỷ lệ bối chi NSNN (bao gồm cả TPCP).