Ngành Bảo hiểm nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp FDI
(Tài chính) Để kịp thời chi trả bồi thường bảo hiểm, liên tiếp trong những ngày qua, đoàn công tác của Bộ Tài chính, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cùng các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm đã làm việc với các lãnh đạo DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai...
Hơn 2.000 tỷ đồng bồi thường cho các DN bị thiệt hại
Theo thống kê sơ bộ, số DN bị thiệt hại có tham gia bảo hiểm là 532 DN, trong đó, riêng Bình Dương có khoảng 500 DN. Ước tính số tiền thiệt hại mà các DN bảo hiểm sẽ bồi thường là trên 2.000 tỷ đồng.
Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, tính tới thời điểm hiện nay, Bảo hiểm Bảo Việt có 123 đơn bảo hiểm bị ảnh hưởng, trong đó có 63 đơn bảo hiểm thiệt hại về tài sản và 60 đơn thiệt hại liên quan đến xe cơ giới, chủ yếu tại các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, ước tính thiệt hại ban đầu là 77 tỷ đồng.
“Ngay sau khi nhận được thông tin về thiệt hại của khách hàng, Bảo hiểm Bảo Việt đã cử đoàn công tác tới hiện trường, hỗ trợ và chỉ đạo các công ty thành viên trong hệ thống nắm bắt thông tin về thiệt hại và hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục bồi thường. Bảo hiểm Bảo Việt cam kết bồi thường sớm cho khách hàng tham gia bảo hiểm nhằm giúp khách hàng nhanh chóng tái ổn định sản xuất”, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ của Bảo hiểm Bảo Minh, tính đến thời điểm hiện nay, Bảo Minh có 110 đơn bảo hiểm thiệt hại, ước tính số tiền bồi thường là 280 tỷ đồng.
Nhằm kịp thời hỗ trợ các DN khắc phục thiệt hại, phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích các DN yên tâm tiếp tục đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, chiều ngày 6/6 tại Trung tâm hội nghị sự kiện Lucky Square, TP. Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương, Bộ Tài chính phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức trao tiền tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho các DN bị thiệt hại.
Căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, kết quả giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất, Bảo Minh sẽ tiến hành ứng trước một phần tiền bồi thường hoặc thanh toán ngay tiền bồi thường cho khách hàng.
Đại diện Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về thiệt hại của khách hàng, MIC đã cử cán bộ đến hiện trường và hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục cần thiết để bồi thường nhanh, ước tính số tiền bồi thường của MIC trên 500 triệu đồng.
Còn theo lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), ước tính PTI có 15 đơn bảo hiểm thiệt hại với số tiền bồi thường khoảng 44 tỷ đồng…
Một số DNBH phi nhân thọ như Fubon, Phú Hưng, Cathay,…cũng đang khẩn trương kiểm tra, xác định những thiệt hại cụ thể về tài sản được bảo hiểm để kịp thời giải quyết bồi thường theo hợp đồng nhằm giúp DN sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.
Thanh toán nhanh tiền bồi thường
Để thực hiện bồi thường thuộc phạm vi được bảo hiểm một cách nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các DN bảo hiểm, hướng dẫn về hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm như: giấy thông báo tổn thất, bản kê khai thiệt hại, giấy giám định thiệt hại và các tài liệu hồ sơ, chứng từ liên quan đến tài sản bị thiệt hại,... Trong trường hợp DN bị mất tài liệu, hồ sơ, chứng từ liên quan thì việc xác định thiệt hại sẽ dựa trên hồ sơ lưu trữ tại cơ quan chức năng.
Trước đó, phía cơ quan quản lý về bảo hiểm cũng đã yêu cầu các DN bảo hiểm cử người, hoặc tổ chức giám định độc lập tiếp cận hiện trường, để giám định rõ nguyên nhân và mức độ thiệt hại của khách hàng; liên hệ với UBND tỉnh, thành phố tại địa phương, ban quản lý khu công nghiệp,… để xác định thiệt hại và những thủ tục liên quan đến hồ sơ bồi thường.
Lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, để việc chi trả bảo hiểm tiến hành thuận lợi và nhanh chóng, các tỉnh đã lập ra một ban chỉ đạo để giải quyết bồi thường cho các DN. Phía Hiệp hội cũng đã có công văn gửi tổng giám đốc các DN bảo hiểm phi nhân thọ, đề nghị các DN bảo hiểm nhanh chóng xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại thực tế làm cơ sở xem xét tạm ứng tiền bồi thường và giải quyết bồi thường các thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm nhanh chóng.
Lãnh đạo các DN bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nhanh chóng thực hiện các thủ tục bồi thường, giúp DN nhanh chóng khôi phục sản xuất, đảm bảo sản xuất kinh doanh bình thường.