Ngành Bảo hiểm toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn
Chi phí bồi thường bảo hiểm do đại dịch COVID-19 đã lên tới 44 tỷ USD, đứng thứ 3 trong lịch sử, chỉ xếp sau khoản bồi thường bảo hiểm do siêu bão Katrina và vụ khủng bố 11/9.
COVID-19 đã làm khó các “đại gia” bảo hiểm thế giới suốt 2 năm qua và từ năm 2020, phần lớn các hợp đồng bảo hiểm được ký kết đều loại trừ các yêu cầu bồi thường bảo hiểm liên quan COVID-19.
Trong một báo cáo về bảo hiểm do công ty môi giới bảo hiểm Howden vừa công bố, khoản tiền bồi thường cho COVID-19 dù lớn nhưng trên thực tế thấp hơn nhiều so với mức dự báo ban đầu hơn 100 tỷ USD được đưa ra vào năm 2020 - thời điểm chính phủ các nước áp đặt lệnh phong tỏa, bắt buộc hủy bỏ mọi sự kiện và đóng cửa tất cả cửa hàng kinh doanh không thiết yếu.
Siêu bão Katrina năm 2005 và vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York (Mỹ) đã gây ra những thiệt hại được bảo hiểm lớn nhất trong lịch sử nhân loại, với số tiền chi trả lần lượt là 60,5 tỷ USD và hơn 40 tỷ USD tại thời điểm đó.
Từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, ngành Bảo hiểm thế giới đứng trước những tổn thất không nhỏ. Các công ty bảo hiểm trên thế giới đã chi trả khoảng 83 tỷ USD, qua đó đánh dấu năm 2020 trở thành năm tốn kém thứ 5 cho ngành kể từ năm 1970. Đại dịch COVID-19 cũng làm khó các “đại gia” bảo hiểm thế giới, như tập đoàn bảo hiểm Đức Allianz và Swiss Re của Thụy Sĩ.
Trong báo cáo lợi nhuận ròng năm 2020, hãng Allianz cho biết lợi nhuận ròng cả năm 2020 của tập đoàn chỉ đạt 6,8 tỷ euro, giảm 14% so với năm 2019 và cũng là năm đầu tiên lợi nhuận ròng của tập đoàn giảm trong vòng chín năm qua do phải chi một loạt khoản đền bù cho các sự kiện bị hủy cũng như các hoạt động bị đình chỉ. Trong khi đó, báo cáo tài chính của Swiss Re cho biết, năm 2020, tập đoàn đã lỗ ròng 880 triệu USD, trái ngược với năm 2019 khi tập đoàn đã đạt lợi nhuận ròng 727 triệu USD.
Tại Mexico, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch COVID-19, Hiệp hội các công ty bảo hiểm Mexico (AMIS) đánh giá, đại dịch đã trở thành thảm họa tốn kém nhất, vượt qua tất cả các trận động đất và bão ở quốc gia này. ngành Bảo hiểm Mexico đã chi trả khoảng 2,5 tỷ USD tính tới thời điểm hiện tại. Bất chấp việc chi trả bảo hiểm tăng mạnh, AMIS tin tưởng ngành Bảo hiểm vẫn duy trì sự vững chắc và khả năng thanh toán bằng cách có mức vốn gấp 3,3 lần theo quy định của pháp luật để đáp ứng các nghĩa vụ và chi phí của các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm.
Dù đại dịch đang tiếp tục ảnh hưởng đến cộng đồng các doanh nghiệp trên toàn thế giới, các chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan rằng với việc các nước nỗ lực “phủ sóng” vắc-xin ngừa COVID-19, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm được cải thiện. Giám đốc điều hành của Tập đoàn bảo hiểm Allianz tin tưởng, mặc dù lợi nhuận của tập đoàn có giảm, nhưng vẫn được khách hàng tin tưởng khi doanh thu của tập đoàn trong lĩnh vực bảo hiểm tai nạn đối với tài sản có sự tăng nhẹ (0,4%) lên 59,4 tỷ euro. Lợi nhuận hoạt động của tập đoàn trong năm 2021 ước đạt 12 tỷ euro.
Một tín hiệu khả quan với ngành Bảo hiểm là tỷ lệ tái tục bảo hiểm (trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã chấm dứt trước đó có hiệu lực trở lại) tăng trong năm 2021. Báo cáo của Howden cho thấy, tỷ lệ tái tục bảo hiểm tài sản do thảm họa tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020 vào ngày 1/1, đánh dấu mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 2009.
Trong khi đó, công ty môi giới bảo hiểm Guy Carpenter cho biết tỷ lệ tái tục bảo hiểm bất động sản toàn cầu tăng trung bình 10,8% trong năm 2021. Theo Gallagher Re, tỷ lệ tái tục bảo hiểm tài sản ở châu Âu tăng tới hơn 50% sau khi khu vực này hứng chịu thiệt hại về vật chất được bảo hiểm ở mức kỷ lục trong năm 2021 do mưa bão và ngập lụt.