Ngành bất động sản sẽ “níu” tăng trưởng tín dụng cuối năm 2019
Nửa cuối 2019, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống có thể sẽ đạt 12-13%, chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở ngành bất động sản, thép…
Đó là nhận định của Công ty chứng khoán BSC về ngành ngân hàng trong báo cáo nửa cuối năm. Thời gian tới, các ngân hàng có xu hướng kiểm soát tín dụng, hướng đến tăng trưởng bền vững.
Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt 7,33%, cơ cấu cho vay vẫn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp và xây dựng tăng 9,1%, công nghiệp và xây dựng tăng 29,5%, thương mại tăng 21,9%. Đây là những lĩnh vực được ưu tiên cho vay của Chính phủ.
Luỹ kế đến hết tháng 5, tăng trưởng cung tiền M2 đạt 6,4%, thấp hơn mức tăng của tín dụng. Tuy nhiên, BSC đánh giá, mức cung tiền thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng, mặt bằng lãi suất sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát ổn định như hiện nay, trung bình lãi suất cho vay ngắn hạn 6 - 9%/năm, trung và dài hạn ở mức 9 - 11%/năm.
Về triển vọng nửa cuối 2019, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống có thể sẽ đạt 12-13%, chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn (bất động sản, thép,...), nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc.
Còn theo Công ty Chứng khoán MB, thực tế, hiện tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng cũng đang phân hóa rất mạnh và có thể phân thành 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất bao gồm các ngân hàng đã được công nhận đáp ứng chuẩn Basel 2 đang tranh thủ cơ hội để đẩy mạnh hoạt động. Đơn cử như TPBank, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng thêm 11,1 nghìn tỷ đồng lên 95,4 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng tới 13,17%) trong 6 tháng đầu năm 2019. Có nghĩa, ngân hàng này đã xài tới gần 70% mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2019 là 20%. Hay như Vietcombank, theo một nguồn tin thì tín dụng của nhà băng này cũng tăng trên 9% trong 6 tháng đầu năm, tức đã “ăn” hết 60% hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% của cả năm.
Nhóm thứ hai là các ngân hàng có nền tảng tài chính tốt, nhưng vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn Basel 2. Theo đó, nhóm này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12 – 13% trong năm nay.
Nhóm thứ 3 là các ngân hàng có hệ số an toàn vốn đang ở sát ngưỡng an toàn hoặc đang nằm trong diện tái cơ cấu. Theo đó, các ngân hàng này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng rất khiêm tốn, khoảng 6 - 7% trong năm nay. Trên thực tế, không ít ngân hàng trong nhóm này đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng âm trong quý đầu năm nay như VietinBank, Eximbank và dự báo tình hình khó có thể cải thiện trong quý II.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm cuối năm
Chia sẻ với Reatimes, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng trong nửa cuối năm, tỷ lệ thu nhập lãi thuần - NIM toàn ngành sẽ giảm nhẹ do áp lực tăng từ lãi suất huy động, lãi suất cho vay ổn định, các ngân hàng có lợi thế về nguồn tiền gửi không kỳ hạn (casa) giá rẻ cùng việc tập trung phát triển ngân hàng số.
Thu nhập ngoài lãi, mảnh đất tiềm năng của các ngân hàng, dự kiến sẽ tiếp tục tăng 20 - 30% trong 2019. Thu nhập ngoài lãi của toàn hệ thống tăng nhờ 3 yếu tố: nguồn thu phí dịch vụ cao hơn 48% so với năm trước do tăng trưởng khách hàng và tăng phí dịch vụ; tích cực thu hồi nợ xấu ngoại bảng; thu từ bán chéo sản phẩm bancassurance.
Trong những tháng cuối năm, các ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu vốn theo yêu cầu Basel II thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu; phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài (VCB, BID); và phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.
Trong tháng 7, BID đã đàm phán xong việc bán 15% cho KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cp, đang hoàn thành các thủ tục phát hành. Các ngân hàng khác như VPBank, TPBank,.. hiện phát hành các trái phiếu quốc tế thời hạn dài nhằm tăng vốn cấp 2, từ đó cải thiện CAR.
Mặt khác, một số ngân hàng dự kiến niêm yết trong thời gian tới bao gồm: OCB (vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng), Maritimebank (vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng), Seabank (vốn điều lệ 5.466 tỷ đồng), ABBank (vốn điều lệ 5.319 tỷ đồng), Saigonbank (vốn điều lệ 3.080 tỷ đồng), Nam Á Bank (vốn điều lệ 3.021 tỷ đồng), Việt Á Bank (vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng). Ngân hàng Phương Đông (OCB) và MSB có thể sẽ lên sàn vào cuối năm 2019.
Nhóm chuyên gia phân tích của BSC dự đoán, ngành ngân hàng với mức định giá hiện tại hấp dẫn hơn sẽ là tâm điểm của thị trường nửa cuối năm 2019. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Midcap với câu chuyện khác biệt đã thể hiện hiệu suất ấn tượng trong 6 tháng.
Nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa (midcap) là nhóm duy trì sự cải thiện hiệu suất tương đối tốt, tăng 4,02% so với đầu năm, đứng đầu là nhóm giá rẻ (penny) tăng 6,8%, vốn hoá nhỏ (smallcap) tăng 6,0%, VN30 tăng 1,08% so với đầu năm và nhóm vốn hoá lớn (largecap) giảm 2,96%. BSC cho rằng hiệu suất nhóm midcap trong quý III sẽ có phần chững lại do định giá đã ở mức dần hợp lý hơn sau giai đoạn tăng tốt nửa đầu năm 2019.
Trong số nhóm cổ phiếu largecap thì nhóm ngân hàng vẫn là nhóm chiếm trọng số chủ yếu, và ghi nhận mức tăng trưởng âm. Do đó, dự báo nhóm ngành ngân hàng với mức định giá hấp dẫn hơn (mức PE trailing bình quân= 9,65 lần và P/B trailing bình quân = 1,34 lần - đã loại trừ VCB) có thể là nhóm ngành dẫn dắt tăng trưởng VN-Index nửa cuối năm 2019.