Ngành Dệt may 2024: Cơ hội chưa rõ ràng!
Dự báo ngành Dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2024 và chỉ có thể phục hồi dần từ nửa sau của năm do nhu cầu giảm, cước phí vận tải tăng, chi phí kho hàng lớn.
“Không chắc chắn”
Trong năm 2023, cổ phiếu ngành Dệt may có diễn biến tích cực hơn so với chỉ số VN-Index, do kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự phục hồi của Ngành. Các cố phiếu ngành Dệt may tăng 16% trong năm 2023, cao hơn 3,9% so với chỉ số VN-Index.
Các cổ phiếu có mức tăng giá đáng chú ý bao gồm TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (tăng 70% so với đầu năm) và ADS của CTCP Damsan (tăng 61% so với đầu năm). Với TNG, doanh thu duy trì tăng trưởng trong suốt năm 2023 bất chấp sự suy giảm chung của toàn Ngành dù lợi nhuận vẫn suy yếu. Với ADS (doanh nghiệp sản xuất sợi), có độ nhạy với mức sụt giảm mạnh của giá bông.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, triển vọng cho cổ phiếu ngành Dệt may không rõ ràng do quá trình phục hồi đơn đặt hàng có thể diễn ra chậm hơn dự kiến trong giai đoạn quý IV/2023 đến hết quý I/2024. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chưa có nhiều khởi sắc trong năm 2024, dẫn đến việc người tiêu dùng giảm chi tiêu và việc bổ sung lại các khoản tiết kiệm trở nên khó khăn hơn.
Theo SSI Research, “không chắc chắn” là từ để mô tả cảm giác của các thương hiệu thời trang và nhà cung cấp cho năm 2024. Các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm mức tồn kho cao, nhu cầu tiêu dùng thấp và cạnh tranh gia tăng.
Bên cạnh đó, sự kiện “Biển Đỏ” có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến hoạt động kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp xuất khẩu: Chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ/Châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023. Hơn nữa, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm tăng lên.
Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng điều kiện FOB, theo đó, người mua phải chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu thấp và mức tồn kho cao nên người mua có thể đàm phán lại với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng.
Vì vậy, SSI Research cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình “Biển Đỏ” hạ nhiệt.
Quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn dự kiến
Kỳ vọng phục hồi ngành Dệt may chuyển từ nửa cuối năm 2023 sang nửa cuối năm 2024, tuy nhiên lợi nhuận vẫn suy yếu. Theo SSI Research, quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn dự kiến do chi tiêu không thiết yếu thường có thời gian phục hồi kéo dài.
Lợi nhuận của hầu hết các công ty đã giảm từ 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm 2023. Theo đó, mức tăng trưởng lợi nhuận của Ngành được kỳ vọng đạt từ 20-30% cho năm 2024 (cao hơn so với thị trường chung). Lợi nhuận cả năm 2024 sẽ dần phục hồi dần, nhưng khó có thể quay trở lại mức năm 2022.
Về cổ phiếu, SSI Research nhận định, giá cổ phiếu hiện tại gần như đã phản ánh hầu hết quá trình phục hồi lợi nhuận, nên có quan điểm trung lập đối với các cổ phiếu theo dõi trong ngành Dệt may. Định giá cổ phiếu hiện đang ở mức cao trong lịch sử, P/E dao động quanh mức 9x-10x cho năm 2024.
Một số cổ phiếu ngành Dệt may được SSI Research khuyến nghị theo dõi là STK (CTCP Sợi Thế Kỷ) và TNG.
Với cổ phiếu TNG, dựa trên kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023, doanh thu của TNG đạt 7,1 nghìn tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ), vượt trội so với thị trường xuất khẩu hàng may mặc của cả nước nhờ vào việc nhận các đơn hàng giá thấp, với biên lợi nhuận gộp thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, SSI Research ước tính lợi nhuận ròng của TNG vẫn sẽ giảm 27% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Luận điểm đầu tư cổ phiếu STK đến từ động lực tăng trưởng liên quan đến xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được các thương hiệu lớn ưa chuộng trong dài hạn. Trong khi đó, CTCP Sợi Thế Kỷ có nhà máy Unitex bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2024 sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong dài hạn.