Ngành gỗ: Khó lượng hóa con số nhưng thiệt hại là rất lớn
Theo các chuyên gia, việc Việt Nam là nước chịu mức thuế đối ứng cao đang gây áp lực lớn và lo lắng cho cộng đồng doanh nghiệp về khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bị tăng tồn kho, khi các đối tác Mỹ có thể tìm nguồn hàng thay thế từ các nước không bị áp thuế cao.

“Đòn đánh” mạnh vào ngành công nghiệp gỗ
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Mỹ năm 2024 đạt gần 150 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023 và thặng dư thương mại 123,5 tỷ USD. Việt Nam là một trong 3 nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Chính sách thuế của Mỹ dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến 5 nhóm ngành chính đang chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2024, bao gồm: đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản...
Là một trong những ngành nghề được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế của Mỹ trong thời gian tới, phát biểu tại Tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ, lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, trong 5 ngày vừa qua, doanh nghiệp gỗ đã sống trong những thời điểm rất “sốc”.
Việc Mỹ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam là “đòn” đánh rất mạnh vào công nghiệp gỗ bởi Việt Nam trong những năm gần đây là quốc gia hàng đầu trong chế biến, xuất khẩu gỗ chỉ sau Trung Quốc. Mỗi năm Mỹ nhập khẩu khoảng 23 – 24 tỷ USD đồ gỗ nội thất, trong đó Việt Nam cung cấp khoảng 38 – 40% kim ngạch nhập khẩu.
“Từ năm 2018 khi có chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chính sách của Mỹ đã tập trung vào đa dạng hóa nguồn cung. Điều này đã giúp Việt Nam có cơ hội thay thế Trung Quốc, đặc biệt ở phân khúc tầm trung, phục vụ tầng lớp trung lưu của Mỹ. Ở chiều ngược lại, chúng ta cũng tăng cường nhập khẩu gỗ nguyên liệu Mỹ. Vì vậy, nếu như từ ngày 9/4, nhiều sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ phải chịu mức thuế 46% sẽ khiến doanh nghiệp ngành gỗ sẽ không còn biên độ lợi nhuận. Hiện nhiều đối tác nhập khẩu đã đề nghị tạm hoãn 1 số đơn hàng. Chúng tôi khó lượng hoá con số, nhưng thiệt hại là rất lớn”, Phó Chủ tịch Viforest nhấn mạnh.
Cơ cấu lại ngành hàng
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, việc Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp đồ nội thất lớn thứ hai cho Mỹ cũng khiến ngành gỗ Việt Nam trở thành đối tượng bị theo dõi sát sao hơn. Trước đó, Mỹ đã điều tra rất kỹ về vấn đề thao túng tiền tệ và vận chuyển gỗ bất hợp pháp của ngành gỗ Việt Nam. Việt Nam đã có nhiều phiên điều trần với Mỹ và đã chứng minh được Việt Nam không gian lận thương mại hay xuất khẩu gỗ bất hợp pháp.
Đồng thời, Việt Nam đã chủ trương phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc đi đầu trong việc thực hiện quy định của EU về không gây mất rừng và không gây suy thoái rừng, kiên quyết tuân thủ những quy định về môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. “Cho đến tận bây giờ, chúng tôi có thể khẳng định, các hoạt động thương mại của ngành gỗ không liên quan đến thao túng tiền tệ và vận chuyển gỗ bất hợp pháp. Theo tôi, việc tự chứng minh sự minh bạch là mô hình hợp tác rất tốt, giúp cải thiện mỗi quan hệ thương mại, để đạt được mức “win - win” (2 bên cùng thắng)”, ông Ngô Sỹ Hoài khẳng định.
Tuy nhiên, cũng theo ông Ngô Sỹ Hoài, gỗ Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 161 thị trường khác nhau, trong đó có 5 thị tường lớn nhất là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được sang thị trường Nhật Bản dăm gỗ, viên nén gỗ; Hàn Quốc là viên nén gỗ; Trung Quốc là dăm gỗ. Còn thị trường Mỹ vừa là thị trường lớn nhất, nhóm đồ nội thất cũng là nhóm hàng có sự gia tăng cao nhất.
“Từ lâu chúng tôi đã nghĩ đa dạng hóa thị trường nhưng không phải dễ. Đây là lúc nhìn lại chặng đường tìm lối đi mới. Trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, chúng ta cần cơ cấu lại ngành hàng, thậm chí nếu đưa xuất khẩu về 0 cũng chấp nhận để đạt được bước tăng trưởng mới”, ông Ngô Sỹ Hoài kiến nghị.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024. Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 53,1%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 10,6%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ tăng 9,5%, thị trường Nhật Bản tăng 21%, thị trường Trung Quốc giảm 15,2%.