Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU
Ngành hàng lợi thế đối mặt với cạnh tranh gay gắt
(Tài chính) Nông nghiệp và công nghiệp là hai ngành hàng lợi thế của nước ta khi xuất khẩu vào các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết, dự kiến vào tháng 9 tới, chính những ngành hàng này sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn cả.
Với tính cạnh tranh hơn hẳn so với các nước khác, đây thực sự là những ngành hàng có lợi ích đối lập lớn nhất giữa EU và nước ta. Vì vậy, EU có xu hướng bảo vệ tối đa lợi ích của mình trước sự cạnh tranh và mở cửa nếu thỏa thuận tự do hóa các ngành hàng này được đồng ý trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Việc này hoàn toàn có thể khiến cho các ngành hàng lợi thế của nước ta gặp phải cạnh tranh gay gắt khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Áp lực với nông nghiệp
Một số mặt hàng nông sản có thể cạnh tranh trực tiếp với các ngành tương tự ở khu vực EU như gạo, cà phê, hạt điều (sản phẩm trồng trọt), tôm và cá tra (thủy sản)… Chỉ riêng năm 2013, nếu tính theo đơn vị triệu USD, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản này lên đến hàng nghìn; trong đó, đứng đầu là gạo với giá trị xuất khẩu hơn 2.925 triệu USD. Trái lại, đối với sữa, thịt bò và thịt lợn (sản phẩm nông nghiệp chế biến), nước ta chưa có khả năng cạnh tranh với các nước EU do trợ cấp chính phủ và thuế nhập khẩu của họ quá cao.
Ngoài ra, do yêu cầu lớn về đầu vào trong toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp chế biến, các doanh nghiệp ít hướng tới xuất khẩu các ngành có tiềm năng nhập khẩu như công nghiệp sữa và các sản phẩm từ sữa.
Đồng thời, cơ cấu sở hữu của các doanh nghiệp có sự khác nhau theo ngành; đơn cử như ngành cà phê có tỷ lệ lớn sở hữu nhà nước trong cơ cấu vốn thì ngành chế biến thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa lại thu hút tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài cao. Nên đến nay, sữa vẫn được đánh giá là ngành hàng sẽ phải chịu cạnh tranh gay gắt nhất từ các sản phẩm nhập khẩu của EU, New Zealand và Australia.
Thách thức với công nghiệp
Theo nghiên cứu đánh giá tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap) thực hiện, đối với 6 ngành công nghiệp xuất khẩu chính là dệt may, da giày, ô tô, công nghệ cao, hàng thủ công và sản phẩm gỗ đã qua xử lý, tất cả đều ghi nhận mức độ tăng trưởng cao.
Đặc biệt, đối với 4 ngành: dệt may, da giày, công nghệ cao và ô tô với mức độ thu hút đầu tư mạnh mẽ cùng mức độ tập trung cao của các công ty nhà nước không chỉ có khả năng cạnh tranh cao mà còn có khả năng tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, các ngành này đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Đầu tiên phải kể đến ngành thủ công mỹ nghệ với những hạn chế từ giá vật liệu, năng lượng, phí vận chuyển cao vì gần đây bắt đầu phải nhập khẩu một lượng lớn tre từ Trung Quốc và mây từ Lào, Campuchia. Cùng với đó là các yêu cầu chất lượng khắt khe do các vấn đề truy xuất nguồn gốc và nguyên liệu thô cho tới các tiêu chuẩn về an toàn lao động, kỹ thuật và mẫu mã đối với các làng nghề truyền thống khi tiếp cận thị trường EU.
Ngành da giày đã từng bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá trong giá khứ nên hoàn toàn có thể bị áp dụng trở lại trong tương lai. Việc nước ta chưa thiết kế và tận dụng các dịch vụ giá trị gia tăng nhằm chống lại các cú sốc bên ngoài có thể dẫn đến việc phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt. Thêm vào đó, ngành hàng da giầy vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững như thiếu nguyên liệu, lao động không ổn định, rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu và những yêu cầu khắt khe về chất lượng, hàng rào kỹ thuật, tỷ lệ nội địa hóa…
Đối với ngành dệt may, do chưa có sự đa dạng hóa về thị trường và phụ thuộc phần nhiều vào nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Đài Loan khiến giá trị gia tăng tạo ra tương đối thấp (ước tính dưới 40%). Ngoài cạnh tranh bằng giá, thuế nhập khẩu cao và đe dọa sử dụng các biện pháp kiện chống bán phá giá là các vấn đề nước ta đang giải quyết ở thị trường EU.
Cuối cùng, đối với ngành hàng được đánh giá có xu hướng xuất khẩu cao là ngành công nghiệp ô tô, căn cứ vào tỷ lệ cung cấp của các nhà sản xuất nội địa thấp hoặc nếu có thì chỉ cung cấp các chi tiết có giá trị thấp, hầu hết phụ tùng chủ yếu phải nhập khẩu. Điều này khiến cho nước ta phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt ngay từ chính các nước trong khối ASEAN khi thuế nhập ô tô từ khu vực này được ấn định sẽ loại bỏ vào năm 2018.
Tuần tới, vòng đàm phán thứ 7 của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, tiếp tục diễn ra tại Hà Nội từ ngày 17 - 21. Hiệp định được ký kết sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ, khả năng dễ dàng tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ song cũng đặt ra viễn cảnh cạnh tranh gay gắt đối với mặt hàng có lợi thế, chủ chốt của nước ta là nông nghiệp và công nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, các ngành hàng của nước ta cần tập trung nâng giá trị, chất lượng thay vì tăng khối lượng để thâm nhập sâu rộng và các thị trường khó tính, giá trị cao trong khu vực EU.