Ngành mía đường trước những cơ hội cạnh tranh bình đẳng

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Lâu nay đường trong nước bị đường lậu “đè bẹp”, nhưng từ khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phía giá, chống trợ cấp giá 5 năm lên đường Thái Lan, mở ra thời kỳ mới để ngành đường cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Báo cáo tình hình sản xuất đến mía đường đến tháng 6/2021 niên vụ 2020-2021 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, trong tháng 5/2021, ngành đường Việt Nam kết thúc vụ ép 2020/2021. Lũy kế tổng lượng mía ép 6.739.417 tấn mía sản xuất được 689.830 tấn đường.

Theo ông Nguyễn văn Lộc, quyền Tổng thư ký VSSA, tình hình bùng phát dịch Covid-19 từ tháng 5/2021 khiến sức tiêu thụ giảm mạnh. Tháng 6/2021, đường nhập theo hình thức tránh né thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan bằng cách nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanma) vẫn tiếp tục nhập về ồ ạt đổ vào nội địa. 

“Tuy nhiên, kể từ ngày 15/6/2021 có thể xem là một mốc lịch sử của ngành đường Việt Nam khi Bộ Công Thương, sau quá trình điều tra theo đúng các quy định của Luật Quản lý ngoại thương cũng như quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã ra Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65% đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm. 

Quyết định này đã chính thức mở ra thời kỳ mới, tạo điều kiện cho ngành đường Việt Nam có điều kiện cạnh tranh sòng phẳng và minh bạch với các đồng nghiệp trong khu vực. Sau khi có quyết định áp thuế, giá đường đã nhích lên, giúp đường từ mía trong nước tiêu thụ được”, ông Lộc nhấn mạnh. 

Như vậy, đến cuối tháng 6/2021 so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam đã tiếp cận nhưng vẫn tiếp tục nằm ở mức thấp hơn.

Bảng so sánh giá đường trên thị trường nội địa các nước lân cận (quy VNĐ) bath Thailand = 740, peso php = 469 , RMB = 3325 

Ngành mía đường trước những cơ hội cạnh tranh bình đẳng - Ảnh 1

Hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào việt nam vẫn còn

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2021 đã tiếp tục xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN. Lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mức độ bùng nổ khi so sánh cùng kỳ với 5 tháng đầu năm 2020.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập từ 5 nước Campuchia, Indonesia, Lào, Maylaysia và Myanma là 20.043 tấn, thì 5 tháng đầu năm 2021 tổng số lượng đường nhập cũng từ các nước này là 320.002 tấn.

Với mức tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ thực sự là hiện tượng không bình thường, và chắc chắn cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như trên. 

Theo VSSA, thực chất đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, khi cả 5 quốc gia trên đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan, và bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN trên đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan. Toàn bộ số lượng đường trên đây chỉ chịu thuế 5% so với mức thuế lẽ ra phải đóng là 33,88% và 48,88% tùy theo loại đường.

Trong tháng 6/2021, đường có nguồn gốc Thái Lan (nhưng không nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan) vẫn tiếp tục làm chủ thị trường, bất chấp việc gia tăng kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh Covid 19. 

Theo ông Lộc, có những dấu hiệu cho thấy, các hoạt động gian lận thương mại đã thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với hoàn cảnh, và thực tế, một khối lượng đường đáng kể đã tìm được phương thức mới, không phải “nhập lậu” như trước đây, để đi qua biên giới Tây Nam và hiện diện trên thị trường với mức giá cạnh tranh hơn cả đường “lẩn tránh phòng vệ thương mại” nhập khẩu từ các nước ASEAN, và hai loại đường này đang đóng vai trò chính trên thị trường. 

Hiện nay vụ ép mía niên vụ 2020/2021 đã kết thúc vụ, nhập khẩu đường chính ngạch từ Thái Lan có giảm dưới tác dụng của quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp nhưng lượng đường “lẩn tránh phòng vệ thương mại” từ các nước ASEAN tiếp tục đưa về nội địa, cộng với hoạt động tích cực của gian lận thương mại đường qua biên giới Tây Nam vì vậy một lượng đường lớn nhập lậu vẫn vào thị trường Việt Nam. 

Các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu hoàn toàn làm chủ thị trường và đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường trong nước. 

“Các loại đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan tiếp tục hiện diện thông qua nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam. Cộng với đường sản xuất trong nước đang tồn kho, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong hai tháng 7, 8 và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu, giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới”, ông Lộc nhấn mạnh.