Ngành Nông nghiệp đã có 7 sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, nhưng sản lượng nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn tăng, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm … góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thống kê ở lĩnh vực nông nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông lâm thủy sản đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021; trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi đều tăng trưởng

Trong 9 tháng qua, giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, sản xuất lúa gạo, lũy kế đến trung tuần tháng 9 cả nước đã gieo cấy được 7 triệu ha lúa, đã thu hoạch trên 5,4 triệu ha; năng suất bình quân đạt 61,6 tạ/ha, sản lượng thu hoạch trên 33,4 triệu tấn.

Tổng diện tích nhóm cây ăn quả đạt 1.162,6 nghìn ha, tăng 25,6 nghìn ha, tăng 2,3%.

Tổng diện tích nhóm cây công nghiệp đạt 2.198,3 nghìn ha, tăng 18,0 nghìn ha (+0,8%).

Nhờ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phục hồi và phát triển trở lại.

Giá trị sản xuất 9 tháng tăng khoảng 5,35%, với sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn, tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn lợn ước tăng 8,8%, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 3.232,7 nghìn tấn, tăng 5,8%. Đàn gia cầm ước tăng 3,8%; sản lượng thịt ước đạt 1.467,1 nghìn tấn, tăng 4,8%. Trứng ước đạt 13,4 tỷ quả, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trồng rừng đạt 187,5 nghìn ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 13,7 triệu m3, tăng 6,18%; sản lượng củi 13,9 triệu ste, tăng 0,36%.

Chín tháng qua, cả nước thu 2.471 tỷ đồng tiền dịch vụ MTR đạt 82,4% kế hoạch, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước; đã cấp chứng chỉ cho hơn 51.000 ha rừng.

Giá trị sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm ước tăng khoảng 4,43% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng thủy sản tháng 9 ước đạt 805,9 nghìn tấn, tăng 4,3% so với tháng 9/2021; lũy kế 9 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 6.602,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiêp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, trước ảnh hưởng của việc giá dầu tăng giá ảnh hưởng tới khai thác thủy sản, Bộ đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng; khuyến cáo ngư dân có tàu cá hiệu quả sản xuất thấp chuyển đổi nghề khai thác; hoặc tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng tàu và ngư lưới cụ, góp phần giảm cường lực khai thác trong ngắn hạn, nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất

9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%; xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38,0%; chăn nuôi 265,5 triệu USD, giảm 18,4%.

Trong 9 tháng đầu năm nay đã có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD như: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.

Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như: Cà phê gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,0 tỷ USD (tăng 21,0%), cá tra trên 1,9 tỷ USD (tăng 83,3%), tôm gần 3,5 tỷ USD (tăng 24,8%); gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%); mây, tre, cói thảm 654 triệu USD (tăng 3,4%); phân bón các loại 900 triệu USD (tăng 170,4%); thức ăn gia súc và nguyên liệu 861 triệu USD (tăng 9,7%).

Trong 9 tháng đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).

Cũng tính đến cuối tháng 9, các đầu mối chức năng đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi, như: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Gần nhất có 02 nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam - Trung Quốc, và đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.