Ngành Nông nghiệp nỗ lực chuyển mình trong kỷ nguyên phát triển mới của Dân tộc
50 năm phát triển cùng Đất nước, ngành Nông nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc. Việt Nam từ thiếu hụt lớn thành nước bảo đảm được an ninh lương thực trong nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu với lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nhiều nông sản Việt chinh phục thành công những thị trường mới, nhiều mặt hàng nông sản mới được xuất khẩu chính ngạch.

Trong giai đoạn thời điểm thống nhất đất nước, ngành Nông nghiệp còn nhiều khó khăn, lương thực phải nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng trong nước. Hầu hết sản phẩm từ các giống vật nuôi nội năng suất thấp. Năm 1976, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mới chỉ có một số mặt hàng với khối lượng và kim ngạch còn rất nhỏ.
Đến nay, sau 50 năm phát triển cùng Đất nước, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Năm 2024, tăng trưởng GRDP toàn ngành Nông nghiệp đạt 3,3%; thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục mở rộng với tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 62 tỷ USD. Sản lượng nhiều nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế và là trụ đỡ cho nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và từng bước thay đổi từ cách tiếp cận “nông nghiệp nâu” sang “nông nghiệp xanh”.
Cụ thể, theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), năm 2024, giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp tăng 2,94% so với năm 2023, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành Lâm nghiệp tăng 5,03%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành Thủy sản tăng 4,03%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.
Năm 2024, diện tích lúa đạt 7,13 triệu ha, tăng 12,0 nghìn ha so với năm 2023; năng suất lúa ước đạt 60,9 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,46 triệu tấn; sản lượng lương thực có hạt đạt 47,87 triệu tấn, trong đó sản lượng ngô đạt 4,4 triệu tấn. Nhờ sản xuất phát triển, ngành Nông nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước nhằm hỗ trợ bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Đối với diện tích trồng cây lâu năm, năm 2024 đạt 3.815,5 nghìn ha, tăng 1,2% so với năm 2023, trong đó: Nhóm cây công nghiệp đạt 2.172,6 nghìn ha, tăng 0,1%; nhóm cây ăn quả đạt 1.302,8 nghìn ha, tăng 2,6%.
Trong nhóm cây công nghiệp, diện tích cao su đạt 908,9 nghìn ha, sản lượng đạt 1.296,7 nghìn tấn, tăng 2,1%; diện tích cà phê đạt 730,5 nghìn ha, sản lượng đạt 2.016,3 nghìn tấn, tăng 3,0%; diện tích chè đạt 121,9 nghìn ha, sản lượng chè búp đạt 1.149,7 nghìn tấn, tăng 2,2%...
Đối với chăn nuôi, các địa phương đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi liên kết tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. Diện tích rừng trồng mới tập trung năm 2024 ước đạt 301,3 nghìn ha, tăng 1,7% so với năm 2023; sản lượng gỗ khai thác đạt 23.334,1 nghìn m3, tăng 7,9% do xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tốt; nhu cầu gỗ tại các nhà máy chế biến tăng.
Năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 9.547,0 nghìn tấn, tăng 2,5% so với năm 2023. Nuôi tôm nước lợ chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2024, sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 897,6 nghìn tấn, tăng 6,3%.
Nhiều nông sản Việt tiếp tục chinh phục thành công những thị trường mới, nhiều mặt hàng nông sản mới được xuất khẩu chính ngạch. Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2024, nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 34,51 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản đạt 10,04 tỷ USD, chiếm 2,5%. Có hai mặt hàng là thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ năm trong nhóm 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam.
Một số nông sản của Việt Nam đứng vị thế cao trên thế giới về sản lượng như: Tiêu đứng thứ nhất, cà phê đứng thứ hai, cao su và điều đứng thứ ba, lúa gạo đứng thứ năm và chè đứng thứ sáu.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng đang nỗ lực góp phần giảm khí nhà kính thông qua nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ và phát triển rừng, hướng đến đảm bảo môi trường, không gây ra hiệu ứng nhà kính. Việc triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch nên sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII ngày 16/6/2022 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Theo đó, ngành Nông nghiệp chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tầm nhìn đến năm 2045, ngành Nông nghiệp Việt Nam hướng tới nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới.