Xây dựng cơ chế thị trường để phát triển nông nghiệp xanh

Trí Thức

Phát triển nông nghiệp xanh là một xu hướng tất yếu trong sản xuất hàng hoá. Một trong những yếu tố để phát triển nông nghiệp xanh là đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường. Để làm được điều đó, cần phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và ít phát thải hơn

Thực trạng nông nghiệp xanh tại Việt Nam hiện nay

Nông nghiệp xanh là một hướng tiếp cận và phương pháp mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tăng cường sức khỏe con người. Nông nghiệp xanh chú trọng vào việc áp dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm và đặc biệt là sử dụng công nghệ số để quản lý hiệu quả.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Nông nghiệp xanh ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững.

Cần xây dựng cơ chế thị trường để phát triền nông nghiệp xanh (Ảnh minh họa).
Cần xây dựng cơ chế thị trường để phát triền nông nghiệp xanh (Ảnh minh họa).

Nhiều mô hình sản xuất hướng tới nông nghiệp xanh đã được triển khai thực hiện ở một số địa phương, thông qua các mô hình canh tác tổng hợp trong trồng lúa, giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm," giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo.

Còn nhiều “điểm nghẽn”

Mặc dù, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc từ năm 1986 đến nay, giúp Việt Nam cải thiện đáng kể an ninh lương thực, góp phần giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh của Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều lo ngại về chất lượng, tính bền vững và vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”. Cụ thể:

Sản xuất nông nghiệp của nước ta còn nhỏ lẻ và mang tính manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ sâu về chuỗi sản xuất. Chuỗi liên kết trong sản xuất, trồng trọt nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay mới chỉ hình thành ở một số ngành hàng sản xuất nông sản xuất khẩu trọng điểm như lúa, cà phê, hồ tiêu, cao su.

Chưa ứng dụng triệt để khoa học, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp do chi phí ban đầu lớn, trong khi đó, năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, khả năng hiện đại hóa các thiết bị phục vụ nông nghiệp xanh là rất khó khăn, hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp, nông thôn còn thiếu.

Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu là rào cản lớn trong quá trình xanh hóa ngành Nông nghiệp. Có thể thấy, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến cả một hệ sinh thái diện rộng, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, dẫn đến nhiều vùng sản xuất sẽ phải quy hoạch lại và tìm những cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện mới...

Xây dựng cơ chế thị trường để phát triển nông nghiệp xanh

Tại Hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hội Trí thức và chuyên gia Việt Úc (VASEA) tổ chức tại Hà Nội ngày 17/9/2024, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền nông nghiệp hiện đóng góp khoảng 12% GDP của Việt Nam, cung cấp sinh kế cho khoảng 30% lực lượng lao động.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng các công nghệ xanh trong nông nghiệp, từ hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính thông minh đến việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất. Các mô hình này đã giúp giảm lượng phát thải CO2, tiết kiệm nước tới 50%, và tăng năng suất cây trồng từ 20% đến 30%. Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu giảm 9% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản cơ sở, đồng thời cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Để đạt được điều này, ngành Nông nghiệp cần xây dựng một cơ chế thị trường linh hoạt, nơi các sản phẩm nông nghiệp xanh được khuyến khích và hỗ trợ phát triển, đó chính là bệ đỡ để thúc đẩy huy động nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, từ mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng các mô hình phát triển xanh, bền vững. Đặc biệt, thị trường sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, người nông dân và các bên có liên quan liên kết với nhau một cách hiệu quả, tối ưu hóa quá trình sản xuất, tiêu thụ và lưu thông hàng hóa.

Việt Nam đã có các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và hiện đang thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Chiến lược xác định 6 ngành quan trọng, trong đó có ngành nông nghiệp bền vững.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động phát triển xanh, bền vững, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp như Quyết định 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030; Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Quyết định 157/QĐ-TTg ngày 1/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030...