Ngành Nông nghiệp: Trụ đỡ của nền kinh tế

PV.

Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn giành được nhiều thành tựu to lớn, làm tròn vai trò nền tảng, trụ đỡ cho kinh tế nước nhà....

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông, ngày này trở thành ngày truyền thống của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 70 năm qua, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hoàn thành xuất sắc vai trò đặc biệt quan trọng, đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của đất nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong 10 năm (1945 - 1954), nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh là nền tảng của kinh tế kháng chiến với những đóng góp to lớn giải quyết nạn đói 1945 - 1946, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cung cấp sức người sức của cho kháng chiến, hình thành những nền tảng để phát triển nông nghiệp trong những giai đoạn tiếp sau.

Chặng đường 20 năm (1955-1975) là thời kỳ đặc biệt của quá trình xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp nước ta, khi đất nước bị chia cắt làm hai miền, tiến hành hai chiến lược cách mạng khác nhau, chịu nhiều thách thức to lớn trong và ngoài nước, dưới chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Trong khi nông nghiệp miền Nam phát triển không ổn định, không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của xã hội, thì nông nghiệp miền Bắc đã hoàn thành vai trò mặt trận hàng đầu trong xây dựng hậu phương lớn, chi viện đắc lực cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.

Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, đất nước được độc lập, tự do, mở ra cơ hội và điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng, thế mạnh về SX nông nghiệp của cả hai miền.

Từ năm 1986 (Đại hội Đảng VI), Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, biện pháp mới nhằm giải phóng sức SX, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Sau Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Năm 1989, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu lương thực. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt 30,86 tỷ USD, gấp 63 lần so với năm 1986.

Việt Nam trở thành một trong số 20 nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn trên thế giới. Hiện nay, nước ta đã có 10 mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD/năm, trong đó, nhiều sản phẩm có vị thế cao trên thị trường thế giới, trở thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.

Sản xuất nông nghiệp phát triển, thu nhập của nông dân đã được cải thiện đáng kể. Về cơ bản, Việt Nam đã xóa được đói. Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm bình quân 1,75%/năm. Năm 2015, ước tỷ lệ hộ nghèo nông thôn (theo chuẩn nghèo mới) còn 9,3%, giảm 1,5% so với năm 2014. Đây cũng là một trong những thành tựu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng. Với nhiều cách làm sáng tạo, nhiều nguồn lực đã được huy động để xây dựng nông thôn mới, nhờ đó diện mạo của nhiều vùng nông thôn nước ta đổi mới, đời sống tinh thần và vật chất của người dân được nâng lên. Dự kiến đến cuối năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 1.500 xã (chiếm 16,8% số xã) và 9 - 10 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bước sang giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp hết sức nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh và rõ nét. Đảng và Nhà nước ta đã xác định phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Nói về định hướng phát triển trong giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, phát huy truyền thống 70 năm qua, ngành Nông nghiệp chủ trương tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên thực tế về công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát huy cao hơn lợi thế sẵn có của đất nước về nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Mặt khác, vẫn phải ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động để tạo việc làm.