Ngành sản xuất: Thách thức và cơ hội trong nền công nghệ 4.0

Theo N.H/nhadautu.vn

Ông Gaku Echizenya-CEO Navigos Group VN chia sẻ: Ngành sản xuất đã và đang là lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên nếu không mạnh dạn nắm bắt cơ hội này thì những thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á sẽ là điểm đến lý tưởng hơn cho các nhà đầu tư.

Việc làm trong ngành sản xuất hiện không thu hút được nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Nguồn: internet
Việc làm trong ngành sản xuất hiện không thu hút được nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Nguồn: internet

Ngành sản xuất không “hấp dẫn” giới trẻ

Theo Báo cáo “chân dung nhân lực ngành sản xuất: thách thức và cơ hội trong nền công nghiệp 4.0” do Navigos Group vừa công bố, việc làm trong ngành sản xuất hiện không thu hút được nhiều sự quan tâm của giới trẻ.

Cụ thể, dựa trên sự phân tích của hơn 3.200 câu trả lời từ ứng viên và người tìm việc cũng như ý kiến của hơn 200 doanh nghiệp ngành sản xuất trong cơ sở dữ liệu của VietnamWorks và Navigos Search cho thấy, có 42% doanh nghiệp cho biết đây là một trong những thách thức lớn nhất của họ. Có 32% doanh nghiệp chia sẻ họ sẽ tập trung xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng trong thời gian tới do những khó khăn hiện đang gặp phải khi yếu tố thương hiệu của tổ chức không đủ mạnh để thu hút được người lao động.

Đào tạo trực tuyến và đào tạo kỹ năng mềm chưa được chú trọng phát triển tại doanh nghiệp ngành sản xuất

Các hình thức đào tạo truyền thống như đào tạo trên công việc thực tế, khóa học nội bộ, cấp trên đào tạo cho cấp dưới vẫn chiếm tỉ trọng cao tại các doanh nghiệp sản xuất, chiếm từ 43% đến 83% ý kiến của cả phía ứng viên và doanh nghiệp trong ngành này. Đào tạo trực tuyến (online) chưa phổ biến, khi chỉ 5% ứng viên và 4% doanh nghiệp cho biết đã áp dụng mô hình này tại nơi làm việc của mình.

Về nội dung đào tạo, kĩ năng liên quan đến chuyên môn được chú trọng nhất, theo đánh giá của 51% ứng viên và 64% doanh nghiệp, trong khi đào tạo kỹ năng mềm chỉ chiếm 17% và đào tạo ngoại ngữ chỉ chiếm 5% theo ý kiến của doanh nghiệp. Có thể thấy, các doanh nghiệp ngành này ưu tiên tuyển dụng ứng viên có kiến thức chuyên môn và đào tạo các kỹ năng để nâng cao tay nghề nhưng chưa chú trọng đến đào tạo kỹ năng mềm hoặc ngoại ngữ. Trong khi đó, các ứng viên tham gia khảo sát cho biết ngay trong tổ chức của mình vẫn còn tình trạng người lao động thiếu tính chủ động trong công việc (72% ý kiến ứng viên), thiếu tinh thần học hỏi (45% ý kiến ứng viên), thiếu kiến thức chuyên môn và thiếu tinh thần kỷ luật (đều có 36% ý kiến ứng viên đồng tình).

Trường dạy nghề đang được các doanh nghiệp sản xuất hợp tác nhiều nhất

Để giải quyết bài toán về thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về chất lượng và số lượng, các doanh nghiệp ngành sản xuất đã thực hiện nhiều hoạt động, trong đó có các hoạt động liên kết với các cơ sở đào tạo để cải thiện chất lượng đào tạo (22% doanh nghiệp có cùng ý kiến) và hợp tác với các cơ sở đào tạo để đào tạo theo yêu cầu tuyển dụng (21% doanh nghiệp lựa chọn).

Đáng chú ý trong việc liên kết với các cơ sở đào tạo, trường dạy nghề đang được 49% các doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn, vượt qua trường đại học và trường cao đẳng, với tỷ lệ tương đương là 42% và 24%.

Ngành sản xuất trước yêu cầu chuyển dịch tự động hóa

46% doanh nghiệp đang áp dụng dưới 30% tự động hóa quy trình sản xuất; 18% doanh nghiệp đang áp dụng từ 30%-50% tự động hóa quy trình sản xuất; 14% doanh nghiệp đang áp dụng đến 70% tự động hóa quy trình sản xuất. Các con số biết nói này đang phản ánh sự dịch chuyển của các doanh nghiệp ngành này trong giai đoạn áp dụng quy trình sản xuất mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đánh giá họ đã có những hành động bắt kịp làn sóng công nghệ mới khi đầu tư vào máy móc (65% ý kiến doanh nghiệp), hệ thống dữ liệu (41% ý kiến doanh nghiệp) cũng như thay đổi phương thức quản lí (44% ý kiến doanh nghiệp), đào tạo (39% ý kiến doanh nghiệp), tuyển dụng (21% ý kiến doanh nghiệp).

Về phía ứng viên, việc chủ động bồi dưỡng chuyên môn (53% ý kiến ứng viên) và ngoại ngữ (47% ý kiến ứng viên) đang trở nên phổ biến. Tuy nhận thức rõ, người lao động là công nhân sẽ chịu ảnh hưởng lớn của tự động hóa (70% ý kiến của ứng viên và 70% ý kiến của doanh nghiệp tham gia khảo sát), cả hai đối tượng này đồng tình cho rằng sự chuyển dịch tự động hóa là điều tất yếu đối với tương lai của ngành sản xuất.

Ông Gaku Echizenya, CEO Navigos Group Việt Nam chia sẻ: “Có thể nói ngành sản xuất đã và đang là lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên nếu không mạnh dạn nắm bắt cơ hội này bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 thì những thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á sẽ là những điểm đến lý tưởng hơn cho các nhà đầu tư. Do vậy, bên cạnh việc áp dụng công nghệ để đổi mới quy trình sản xuất thì việc đào tạo đội ngũ nhân lực cần phải được các doanh nghiệp tại Việt Nam đặc biệt chú trọng".