Ngành sản xuất Thái Lan đối mặt khủng hoảng
Trong năm qua, số nhà máy đóng cửa ở Thái Lan tăng vọt và xu hướng này dự kiến chưa dừng lại. Nợ nần lớn, chi phí sản xuất cao và mất khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ các công ty đa quốc gia, buộc các chủ nhà máy ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á chọn giải pháp dừng hoạt động.
Số lượng nhà máy đóng cửa liên tục tăng
Theo dữ liệu mới nhất của Cục Công trình công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan, số nhà máy đóng cửa từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 tăng 40% so với 12 tháng trước đó. Điều này dẫn đến hậu quả hơn 51.000 công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp.
Theo hãng nghiên cứu kinh tế KKP Research, từ năm 2021 đến tháng 5/2024, ước tính có hơn 3.500 nhà máy đóng cửa. Phần lớn các nhà máy hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa, sản phẩm da, cao su và các sản phẩm từ cao su, thực phẩm, máy móc, sản phẩm cơ khí, kim loại, chế biến gỗ và sản phẩm gỗ.
Hơn nữa, tốc độ mở nhà máy mới chậm hơn so với tốc độ đóng cửa, dẫn đến số lượng nhà máy mới bị thu hẹp hoặc không tăng trưởng. Từ tháng 1/2023 đến tháng 3/2024, số lượng nhà máy đóng cửa tích lũy vượt quá số lượng nhà máy mở mới.
Khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ
Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) Kriengkrai Thiennukul đã đưa ra một số nguyên nhân lớn dẫn đến xu hướng các nhà máy đóng cửa hàng loạt. Theo đó, các nhà sản xuất trong nước đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ hàng nhập khẩu giá rẻ từ các công ty nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, khi hàng hóa của quốc gia này chảy ồ ạt vào thị trường trong nước thông qua nhiều kênh. Điều này khiến hàng sản xuất nội địa bị lép vế vì không thể cạnh tranh về giá cả.
Thêm vào đó, gần đây Mỹ và một số quốc gia châu Âu thông báo sẽ tăng thuế với hàng trăm mặt hàng Trung Quốc, khiến Trung Quốc càng dư thừa công suất công nghiệp, do đó buộc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường châu Á và ASEAN, trong đó có Thái Lan. Người đứng đầu FTI cho biết, tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ của Thái Lan phải dừng hoạt động, vì họ phải vật lộn với sự gia tăng chi phí sản xuất do giá năng lượng đắt đỏ và mức lương tương đối cao. Trong khi đó, khi một số khác đóng cửa dây chuyền sản xuất nhưng giữ lại bộ phận bán hàng hoặc tiếp thị, chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu hàng hóa để bán lại.
Hàng nhập khẩu giá rẻ trên thị trường ảnh hưởng tới hơn 20 trong số 45 nhóm ngành sản xuất công nghiệp mà FTI giám sát trong năm qua. Ông Thiennukul cảnh báo, nếu không có biện pháp ứng phó hữu hiệu, dự kiến trong năm nay sẽ có hơn 30 nhóm ngành sản xuất công nghiệp có thể bị ảnh hưởng vì hàng nhập khẩu giá rẻ. Hầu hết các ngành công nghiệp của Thái Lan hiện vẫn mang tính truyền thống, nên chưa đáp ứng xu hướng hiện đại toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định, tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Thái Lan có nguy cơ chứng kiến thêm thêm nhà máy đóng cửa, do các biện pháp bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước của Thái Lan so với các nước láng giềng như Indonesia, không đủ nghiêm ngặt để kìm hãm dòng chảy hàng nhập khẩu giá rẻ và chất lượng thấp vào nước này. Indonsia đang lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu 200% đối với hàng dệt may của Trung Quốc, để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Ngành sản xuất cần thay đổi về cấu trúc
Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu phục hồi, các sản phẩm sản xuất công nghiệp của Thái Lan dự kiến được hưởng lợi. Song, một số sản phẩm đặc biệt như ổ đĩa cứng và thép - chiếm khoảng 35% giá trị sản xuất của cả nước, đang đối mặt thách thức ngày càng tăng do khả năng cạnh tranh thấp. Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, công suất hiệu dụng của ngành thép Thái Lan chỉ đạt 29,3%, giảm so với 39,4% vào cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan Supavud Saicheua cho biết, Thái Lan cần thay đổi và tập trung vào sản xuất các sản phẩm mà Trung Quốc không xuất khẩu, đồng thời củng cố ngành nông nghiệp. Bắt đầu từ tháng này, Thái Lan sẽ thu thuế giá trị gia tăng 7% đối với hàng nhập khẩu giá rẻ có giá dưới 1.500 baht (41 USD), chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những sản phẩm này hiện vẫn được miễn thuế nhập khẩu.
KKP Research cảnh báo, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể làm suy giảm thêm khả năng cạnh tranh của Thái Lan, đặc biệt là trong phân khúc ô tô, do xe điện nhập khẩu của Trung Quốc gia tăng. Do đó, FTI đã yêu cầu Chính phủ xem xét các biện pháp ngăn chặn né thuế, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và hàng hóa của Trung Quốc đối mặt các rào cản thương mại từ nhiều nước khác.