Ngành Tài chính đóng góp tích cực trong xây dựng Chính phủ điện tử
Nhằm đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan, giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong thực hiện các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong thực tiễn hoạt động, thời gian qua, Bộ Tài chính đã vận hành, kết nối phần mềm quản lý văn bản (eDocTC) để gửi văn bản đi điện tử với 96 cơ quan, đơn vị và nhận văn bản đến điện tử với 356 cơ quan, đơn vị thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo thông suốt, đồng bộ.
Bộ Tài chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 977/977 thủ tục hành chính, đạt 100%, chiếm 55% tổng số dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ. Trong đó, có 106 dịch vụ trực tuyến mức độ 1 (10,9%), 288 dịch vụ mức độ 2 (29,5%), 192 dịch vụ mức độ 3 (19,6%) và 391 dịch vụ mức độ 4 (40%).
Đồng thời, Bộ đã hoàn thành kết nối, tích hợp 294/585 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ trên 50%, vượt mục tiêu 30% đặt ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử.
Đối với lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai đến 100% chi cục thuế tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với 99,91% số doanh nghiệp tham gia; số doanh nghiệp đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 98,9%; thực hiện hoàn thuế điện tử đạt 97,54%.
Cơ quan thuế đã triển khai cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; triển khai dịch vụ khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê tài sản (trong đó có hoạt động cho thuê nhà), lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử dành cho cá nhân.
Đối với lĩnh vực hải quan, thực hiện tốt vai trò Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban chỉ đạo 1899), Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai các thủ tục hành chính mới, mở rộng phạm vi, số lượng doanh nghiệp tham gia đối với các thủ tục đã triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, đáp ứng mục tiêu và tiến độ kế hoạch tổng thể của giai đoạn 2016-2020.
2020 là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Đến nay, thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai tại tất cả các đơn vị hải quan thông qua hệ thống VNACSS/VCIS; cổng thanh toán điện tử được triển khai tại tất cả các cục hải quan với 98,6% số thu ngân sách bằng phương thức điện tử; triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động các cảng, kho, bãi tại 33/35 cục hải quan; triển khai cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không...
13/14 bộ, ngành với 207 thủ tục hành chính được kết nối qua Cơ chế một cửa quốc gia và trên 43,7 nghìn doanh nghiệp tham gia. Việt Nam đã trao đổi chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với 9 nước ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN. Đến ngày 15/12/2020, tổng số C/O mẫu D Việt Nam nhận được từ các nước là 255,9 nghìn, Việt Nam gửi sang các nước là 316,5 nghìn qua Cơ chế một cửa ASEAN. Bên cạnh đó, đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi, thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu; đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để thực hiện trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật...
Trong lĩnh vực quản lý kho quỹ, ngành Tài chính đã hoàn thành kế hoạch 100% đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký tham gia dịch vụ công trực tuyến 9/11 thủ tục hành chính (trong đó, 07 thủ tục mức độ 4; 01 thủ tục mức độ 3 và 01 thủ tục mức độ 2). Đồng thời, đã hoàn thành việc tích hợp 07 dịch vụ công trực tuyến (tương ứng 7 thủ tục hành chính) lên Cổng dịch vụ công quốc gia, vượt 01 chỉ tiêu so với kế hoạch được giao năm 2020.
Những nỗ lực, đóng góp của Bộ Tài chính trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã được các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Theo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố cuối tháng 8/2020, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Xác định cải cách, hiện đại hóa là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tiếp tục phát triển các hệ thống nền tảng phát triển Chính phủ điện tử lệ quốc tế; hoàn thành triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính.