Ngành Tài chính làm cải cách: Nói được, phải làm bằng được!
(Tài chính) Với hàng loạt văn bản chính sách mới đây của ngành Tài chính nhằm mục tiêu cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thì những phản hồi từ nhiều phía cho thấy rõ sự đồng thuận, sự cổ vũ và tin tưởng.
Một chuyên gia đã nhận định: "Ngành Tài chính thực hiện cải cách hành chính thuế, hải quan rất khẩn trương. Với sự ra đời của Nghị định 91/2014/NĐ-CP mà Bộ Tài chính đã xây dựng trình lên Chính phủ thông qua và Thông tư 119/2014/TT-BTC, ngành Tài chính đã làm được việc một nghị định sửa nhiều nghị định, một thông tư sửa đổi nhiều thông tư. Đây là một tấm gương, một kinh nghiệm tốt mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong mỏi làm sao toàn bộ hệ thống luật pháp liên quan đến môi trường kinh doanh cũng được khẩn trương sửa đổi hoàn thiện theo tinh thần ấy".
Quả đúng như vậy! Hàng loạt văn bản chính sách mới đây của ngành Tài chính nhằm mục tiêu cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển liên tiếp được ban hành, đã nhận được những phản hồi từ nhiều phía cho thấy rõ sự đồng thuận, cổ vũ và tin tưởng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI nhận định về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan.
Chẳng hạn như kết quả của ngành Tài chính là chỉ trong thời gian ngắn đã thực hiện được lời hứa với Thủ tướng, giảm số giờ thực hiện các thủ tục hành chính thuế xuống khoảng 300 giờ, từ hơn 800 giờ hiện tại; đồng thời giảm trên 1,5 triệu chứng từ/năm phải kê khai để nộp thuế xuất nhập khẩu; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; bỏ bớt các loại giấy tờ, bảng kê cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; sử dụng chữ ký điện tử, thông quan điện tử, khai thuế điện tử; áp dụng người nộp thuế chấm điểm cán bộ thuế...
Mới đây nhất, tại buổi họp báo giới thiệu về Thông tư 151/2014/TT-BTC (có hiệu lực từ 15/11) hướng dẫn Nghị định 91/2014/NĐ-CP chiều 28/10, ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, từ 15/11 thời gian nộp thuế giảm thêm 88,36 giờ.
Như vậy, cùng với việc ban hành Thông tư 119 trước đó (Thông tư 119 giảm được 201,5 giờ), tổng hợp cả Thông tư 151 lần này, thời gian nộp thuế đã giảm được gần 290 giờ, vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao là giảm 200 giờ vào năm 2014.
Tại sao ngành Tài chính lại nhận được sự thành công như vậy? Là bởi vì chính sách đưa ra rất đúng và trúng, đây là những chính sách vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp, được đưa ra đúng vào thời điểm người dân, doanh nghiệp đang bức xúc, đang gặp khó vì các thủ tục hành chính rườm rà. Những thành quả khác mà Ngành đã đạt được thời gian qua như miễn giảm thuế, điều hành giá xăng dầu, bình ổn giá sữa… cũng đã được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Có thể nói đó là những chính sách sát thực tiễn, hợp lòng dân, vì lợi ích của người dân. Người dân và doanh nghiệp thấy rõ mình được hưởng lợi từ chính sách, nên đồng lòng cổ vũ.
Ở điểm này, có thể đánh giá, Bộ Tài chính đã làm rất tốt công tác dân vận. Dân vận khéo ở đây không chỉ là biết “nói” cho “khéo”. Như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã luôn nhắc nhở, chúng ta “nói được” nhưng cũng phải “làm được”, “nói đi đôi với làm”, và “cốt lõi là ở sự hài lòng của người dân với ngành Tài chính”, nên khâu thực hiện càng phải đảm bảo tốt từ cấp bộ, ngành xuống tận cơ sở. Nếu như cấp trên làm tốt, nhưng cấp dưới chậm tiến bộ, cải cách vẫn ì ạch thì không thể thuyết phục được người dân, không vận động được người dân đồng hành với cơ quan quản lý trong sự nghiệp cải cách, thì rất khó đi tới thành công.
Thêm một yếu tố nữa để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, đó là vì ngành Tài chính đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, góp phần giải thích, cổ vũ cho những chính sách này. Hệ thống báo chí nói chung và báo chí ngành Tài chính nói riêng đã tuyên truyền kịp thời, chính xác, và đặc biệt là dùng ngôn ngữ thật dễ hiểu để người đọc có thể nhận thấy ngay những lợi ích của mình qua cải cách của ngành Tài chính.
Các bài báo không chỉ tuyên truyền theo đúng quan điểm của lãnh đạo ngành, lãnh đạo các đơn vị, phản ánh những hoạt động của ngành trên nhiều phương diện, mà còn chú trọng nêu lên những ý kiến đóng góp của chuyên gia, kiến nghị từ cơ sở, những ý kiến của người dân, doanh nghiệp để chính sách được sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp hơn.
Đội ngũ phóng viên của báo chí ngành Tài chính đã tỏa đi các cơ sở, đến với anh chị em cán bộ thuế, hải quan… những người đang trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của ngành giao phó. Việc tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính ngành Tài chính có bài bản, đã tạo được luồng dư luận tích cực, chính thống, cổ vũ những kết quả mà ngành đạt được, cũng như phản ánh kịp thời những vướng mắc từ thực tiễn, để những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, của ngành Tài chính thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao nhất.
Khi người đọc hiểu, tin tưởng và đồng thuận với chính sách, tích cực đón nhận chính sách, ủng hộ cho những người xây dựng và thực thi công vụ… cũng là sự góp sức của các cơ quan báo chí cùng với sự quyết tâm, nỗ lực các đơn vị chức năng chuyên môn của ngành để thực thi hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao phó.